DetailController

Văn hóa

Mường vang giữ gìn bản sắc văn hoá

06/10/2010 00:00
Mường Vang nằm trong vùng địa – văn hoá nổi tiếng của tỉnh Hoà Bình (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp dân tộc Mường. Từ mái nhà cổ xưa, nét độc đáo của trang phục đến ngôn ngữ Mường, những làn điệu dân ca, âm thanh trầm hùng của các dàn cồng chiêng, trống đồng, những áng mo, sử thi chân thực và huyền thoại….Những phong tục, tập quán và những nét văn hoá đặc sắc này cho đến nay vẫn được người Mường Vang gìn giữ và phát huy.

 

Cũng như các vùng Mường khác trong tỉnh, người Mường Vang giao tiếp với nhau bằng tiếng Mường, đó là tiếng Mường mang âm điệu của người Mường Vang. Tuy không có chữ viết nhưng bằng con đường truyền miệng họ đã lưu giữ gần như trọn vẹn những vốn văn hóa dân gian nổi tiếng như các tác phẩm “Mo Mường”, “Hằng Nga, Hai Mối”, các điệu hát dân ca “Thường rang, bọ mẹng”, “Ru ún”, “Mời trầu”... Cứ thế hệ này truyền dạy lại cho thế hệ sau và luôn được gìn giữ trong ký ức của mỗi người con đất Mường, hiện diện sống động qua các đêm mo bằng ngôn ngữ Mường.
 
Trong các đêm Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước” một trong những áng Mo của bộ sử thi vĩ đại Mo Mường đã kể cho chúng ta hay về cội nguồn sinh ra trời đất, con người, cây cỏ, muông thú và muôn loài trên trái đất; giới thiệu sinh động tín ngưỡng dân gian của người việt cổ xưa. Ngôn ngữ của bộ sử thi đã bày tỏ được tâm tư nguyện vọng của người dân tộc Mường từ xa xưa gửi lại cho chúng ta. Và rõ ràng việc hiểu biết sâu sắc của mỗi người về tiếng mẹ đẻ của mình sẽ cho phép họ làm ra những tài sản văn hóa vô cùng quý giá mà không có một cách nào khác có thể đáp ứng được. Ngày nay, để gìn giữ những giá trị của những áng mo truyền thống, các gia đình Mường Vang thường tổ chức đêm mo ở lễ tang, góp phần làm sống động các áng mo sử thi của dân tộc Mường, nuôi dưỡng và thực hiện giá trị của nó sâu rộng trong đời sống cộng động.
 
            Cụ Diễn ở Vó giữa cho biết: gia đình cụ có 6 người con. Các con, dâu rể và các cháu, chắt của cụ dù đi làm việc ở đâu nhưng khi về đến quê toàn nói bằng tiếng Mường Vang, trừ khi phải giao tiếp với người kinh thì mới không nói tiếng Mường. Cụ bắt tất cả các cháu, chắt của cụ ở thành phố cũng như thị trấn khi về quê là phải nói tiếng Mường, nếu không là cụ không nói chuyện cùng. Chính sự ý thức giữ gìn tiếng nói của dân tộc mà các con, cháu, chắn của cụ ai cũng yêu bản, yêu làng, yêu những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Cụ rất thích nghe hát “Thường rang, bọ mẹng” nên thi thoảng gia đình lại mời mấy cụ hay hát đến ngủ chơi ăn cơm, uống rượu và hát các làn điệu dân ca đầm ấm bên bếp lửa hồng. Vì có những đêm hát như vậy nên các cháu, chắt của cụ được hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hoá của dân tộc. Không chỉ riêng gia đình cụ Diễn mà các gia đình ở đây đều có ý thức gìn giữ tiếng nói của tổ tiên mình. Đi khắp các bản làng điều chúng tôi dễ nhận thấy là từ người già cho đến trẻ nhỏ đều nói với nhau bằng tiếng Mường. Những người khách khi đến đây cũng sẽ cùng cảm nhận với chúng tôi: không gian văn hoá ở đây thật đậm nét tộc Mường.  

            Ngày nay, Mường Vang tuy đã có vẫn được người Mường dùng thành thạo và thường xuyên tại gia đình, thôn bản là những nhiều những biến đổi trong cuộc sống (nhà ở, quần áo, phong tục) nhưng tiếng Mường không gian văn hóa Mường. Tiếng phổ thông (Kinh) chỉ dùng trong nhà trường cũng như trong quan hệ giao tiếp chung của toàn dân tộc. Ý thức gìn giữ tiếng dân tộc của những người con xứ Mường nơi đây đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống và cho phép họ làm ra những tài sản văn hoá vô cùng quý giá để lại mai sau