DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Mục tiêu nâng cao tầm vóc cho trẻ

22/05/2012 00:00
Được sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng và Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng tỉnh Hòa Bình, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm từ 22,7% năm 2010 xuống còn 21,4% năm 2011. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi từ 30,6% năm 2010 xuống còn 28,9% năm 2011. Chương trình tập trung vào 2 đối tượng chính: phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Cán bộ trạm y tế xã Thu Phong, huyện Cao Phong thực hiện một buổi thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi (tháng 5/2012).

 

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em bắt nguồn từ khi phụ nữ mang thai. Trẻ được chăm sóc từ bào thai khi ra đời sẽ có đủ cân nặng và sức khỏe. Chăm sóc phụ nữ mang thai là chăm sóc cho trẻ. Các hoạt động như đăng ký quản lý thai nghén, khám thai, tiêm phòng uốn ván, bổ sung viên sắt, tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, lao động, vệ sinh thai nghén… được thực hiện thường xuyên ở cơ sở. Kết quả tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 99,8%, tỷ lệ phụ nữ đẻ có bổ sung viên sắt đạt 99,5%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được tiêm phòng uốn ván đủ mũi đạt 99,7%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai đủ, đúng lịch đạt 84,1%, tỷ lệ sản phụ sinh con tại cơ sở y tế đạt 99,6%.
 
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em được triển khai tập trung vào các hoạt động, bao gồm: theo dõi tăng trưởng và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ thông qua các buổi thực hành dinh dưỡng. Tại các xã trọng điểm về phòng chống suy dinh dưỡng đã triển khai việc theo dõi chiều dài nằm/ chiều cao đứng cho trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ từ 2-5 tuổi suy dinh dưỡng định kỳ hàng tháng. Việc sử dụng biểu đồ theo dõi tăng trưởng đã đi vào nề nếp. Trong đợt chiến dịch Vi chất tháng 6 hàng năm, trẻ em trong độ tuổi được bổ sung Vitamin A và tẩy giun theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng tỉnh Hòa Bình thường xuyên cung cấp Vitamin A cho các bà mẹ sau đẻ và trẻ em sau khi bị bệnh. Năm 2011, tỷ lệ trẻ sơ sinh được theo dõi cân nặng ngay sau sinh đạt 99,9%, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng hàng tháng đạt 99,1%, tỷ lệ trẻ từ 2-5 tuổi bị suy dinh dưỡng được theo dõi cân nặng hàng tháng đạt 99,5%.
 
Mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng đã phủ rộng khắp 210 xã, phường trong toàn tỉnh. Công tác đào tạo cho cán bộ mạng lưới rất được quan tâm, chú trọng. Riêng trong quý II năm 2011, Trung tâm Chăm sóc SKSS đã phối hợp với Trung tâm YTDP các huyện, TP đã tổ chức 1 khóa đào tạo giảng viên tuyến tỉnh, huyện và 40 lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng triển khai chương trình cho cán bộ mạng lưới với tổng số 1,418 học viên.
 
Cán bộ chuyên trách dinh dưỡng xã và cộng tác viên dinh dưỡng phối hợp với các lực lượng truyền thông khác như cán bộ văn hóa xã, cán bộ hội phụ nữ, cộng tác viên dân số tổ chức được 9931 số buổi truyền thông dinh dưỡng dưới các hình thức: loa đài, khẩu hiệu, cổ động, nói chuyện sức khỏe, thăm hộ gia đình… Toàn tỉnh đã có 34.622 bà mẹ có con dưới 2 tuổi và 29.375 bà mẹ có thai được tư vấn về dinh dưỡng.
 
Phối hợp liên ngành trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em có vai trò quan trọng, đặc biệt với ngành giáo dục – đào tạo. Hiện nay, đa phần trẻ mầm non đều ở bán trú. Các bữa ăn tại trường có vai trò quan trọng không kém gì bữa ăn tại nhà cho trẻ. Ngành giáo dục đào tạo đã chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại trường mầm non như: Tổ chức bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ, thay đổi thường xuyên các món ăn. Cán bộ phụ trách bếp ăn đều được tập huấn về dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra giáo dục dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, vệ sinh, chăm sóc răng miệng cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước các bữa ăn được duy trì thành nếp. Phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch cân, đo và uống Vitamin A.
 
Để triển khai có hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đội ngũ cán bộ y tế và mạng lưới cộng tác viên đã nỗ lực khắc phục những khó khăn. Đơn cử như việc: hiện nay mỗi xã mới chỉ có 1-2 bộ thước đo theo dõi tăng trưởng cho trẻ. Trong khi đó có những xã có đến 8-9 thôn, xóm, địa bàn lại rộng, không tập trung, các cộng tác viên mạng lưới phải thay phiên nhau sử dụng dẫn đến việc theo dõi tăng trưởng cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm và lòng nhiệt tình trong công việc, đội ngũ cán bộ y tế và mạng lưới cộng tác viên đã hoàn thành việc cân đo cho trẻ đúng tiến độ đề ra.
 
Trong “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” khẳng định: nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân. Cần phấn đấu bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.