DetailController

Khoa học - Môi trường

Một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn

30/09/2021 00:00
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trên cơ sở tập trung chú trọng các giải pháp lâu dài trong bảo vệ môi trường, ngày 28/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1807/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 04/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các giải pháp như: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Xây dựng tài liệu hướng dẫn việc thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với khu vực đô thị và nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện hoàn thành trước năm 2023. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Rà soát quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch các điểm trung chuyển chất thải nguy  hại, điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ tập trung và điểm tập kết xử lý chất thải rắn xây dựng. Tích hợp, cập nhập nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hướng dẫn lập, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn theo các hình thức đầu tư phù hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải chú trọng việc đảm bảo các hạng mục hạ tầng kỹ thuật về rác thải (các điểm tập kết xe đẩy tay, trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải,…). Ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%...

Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải rắn; công nghệ xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp đặc biệt là rơm, rạ phát sinh sau thu hoạch nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái. Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện hoàn thành trước năm 2023.

Các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai việc thu gom các bao gói đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng và chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc triển khai xử lý chất thải từ trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là tận dụng, tái chế phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost. Hướng dẫn, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường tái sử dụng, tái chế. Xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý phân tán chất thải tại các cơ sở y tế. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế và chất thải y tế nguy hại đảm bảo các quy định về môi trường.

Đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục và đào tạo. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Kịp thời biểu dương, tuyên truyền những mô hình điển hình, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn; tham gia phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

          Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các Khu công nghiệp thực hiện tốt việc thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn; có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng được cấp giấy phép môi trường phù hợp để xử lý. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải lạc hậu không đáp ứng các yêu cầu trên địa bàn tỉnh.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tuyên tuyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới, lò đốt rác thải quy mô cấp xã không phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đối với các khu vực nông thôn phải tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost. Đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn…/.