DetailController

Tin từ các đơn vị

Mở rộng thu hút nguồn lực cho hạ tâng giao thông

02/11/2022 00:00
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, như đầu tư mạng lưới đường tốc, đường quốc lộ đảm bảo nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh.
Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình nằm trong danh mục các dự án tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đặt mục tiêu có 2 tuyến đường cao tốc, 9 tuyến đường quốc lộ và 26 tuyến tỉnh; xây dựng mới các đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh tránh qua các khu vực đô thị và hệ thống đường vành đai hợp lý. Phấn đấu đến năm 2030, tổng chiều dài cao tốc khoảng 153,32 km, quốc lộ đạt khoảng 478,44 km, đường tỉnh đạt khoảng 677,85 km; mật độ đường quốc lộ và đường tỉnh của tỉnh đạt 23,5 km/100 km2. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đầu tư đồng bộ 37 bến xe, phân luồng tuyến có 2 tuyến vận tải thủy nội địa quốc gia qua địa bàn tỉnh và duy tu, bảo dưỡng các cảng thủy nội địa.

Quy hoạch trên được đánh giá mang tính chất đồng bộ và hiện đại, kết nối linh hoạt giữa các phương thức vận tải và quy hoạch địa phương, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh đã chủ động đề xuất với Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai các chính sách đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bảo đảm tài chính.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án là rất lớn, chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì chưa đủ. Do đó, tỉnh đã căn cứ vào hướng dẫn, quy định của Trung ương, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Vừa giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, vừa bảo đảm về lợi ích. Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 7 dự án hạ tầng giao thông đường bộ và 6 dự án hạ tầng giao thông đường thủy nằm trong danh mục các dự án tiềm năng thu hút đầu tư. Trong đó có một số dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình theo quy mô đường cao tốc với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng thu hút vốn theo hình phương thức đối tác công tư PPP có hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương; Cảng Nhà máy xi măng sông Đà với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn xã hội hóa; Cảng Thung Nai với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng đang kêu gọi đấu thầu theo hình thức PPP.

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp, bám sát nhu cầu và thực tế của địa phương. Tỉnh đã công khai kế hoạch và các thủ tục đầu tư bằng nhiều hình thức. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư thông qua Cổng thông tin điện tử. Đến nay, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã đến tìm hiểu, nghiên cứu tại tỉnh.

Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp đột phá về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính ngày giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ. Phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của Trung ương; nâng chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong tốp 30 của cả nước. Qua đó, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, có tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Đồng thời, thu hút, phát triển các dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường./.