Để tăng cường công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu qủa đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, tỉnh Hòa Bình mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh (từ nay đến hết ngày 31/12/2020). Công an tỉnh là cơ quan chủ trì, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác điều tra cơ bản; xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức triển khai thực hiện về tổng kiểm tra, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các đơn vị có liên quan.
Theo đó, các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, các đoàn thể tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu vực bến xe, chợ, các hộ kinh doanh… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. VKSND và TAND tỉnh khẩn trương điều tra, hoàn thiện hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức rà soát, lên danh sách đối tượng nghi vấn còn tàng trữ phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các cá nhân còn lưu giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ làm kỷ vật; số súng săn trước đây đã trang bị cho các cá nhân sử dụng; đồng bào dân tộc thiểu số còn chế tạo, lưu giữ, sử dụng vũ khí tự chế như: Súng kíp, súng hơi... trong phạm vi từng xã, phường, làng, bản để có biện pháp tuyên truyền, vận động giao nộp. Đối với những đối tượng cố tình không giao nộp thì có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác này.
Các cơ quan thông tin truyền thông ở địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành; đưa các nội dung này vào sinh hoạt tổ chức xã hội, quần chúng; tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm còn tồn đọng nhiều vũ khí, vật nổ do chiến tranh để lại và địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.
Tại các địa phương, lực lượng Công an cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức các điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nhân dân đến giao nộp thuận lợi; thực hiện tốt công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Riêng vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, gia truyền theo phong tục, tập quán thì hướng dẫn nhân dân khai báo, đăng ký theo đúng quy định của pháp luật./.