Tháng 11/2015, tỉnh Hòa Bình đã nộp hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường để trình Bộ VH-TT&DL quyết định đưa vào danh mục di sản Quốc gia năm 2015 - có ý nghĩa quan trọng để tỉnh cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, du lịch của địa phương.
Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời, tỉnh Hòa Bình đã có những bước đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản Mo Mường được bắt đầu tổ chức sưu tầm lại từ năm 2002 thông qua đề tài nghiên cứu khoa học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học của tỉnh và Viện Văn hóa dân gian, do nhóm tác giả Nguyễn Thành Viên, Bùi Chỉ tổ chức. Công trình này đã phục dựng lại mười hai ngày đêm Mo trong đám tang người Mường tại xã Phong Phú (huyện Tân Lạc). Đến năm 2010 những sản phẩm này được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dịch thuật và biên tập in thành sách với số lượng 1000 cuốn sách và 300 bộ đĩa CD với tổng kinh phí đầu tư 700 triệu đồng. Ấn phẩm quý này là món quà văn hóa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và sau đó phát hành xuống cơ sở. Đến năm 2011 do nhu cầu xuất bản tăng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tái bản thêm 200 cuốn phục vụ nhân dân và nhu cầu bạn đọc. Từ năm 2012 đến nay, vốn đầu tư Chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thực hiện Đề tài khoa học Kiểm kê Mo dân tộc Mường Hòa Bình nhằm mục đích rà soát, kiểm định lại một cách chính xác về thực trạng, số lượng các ông Mo và việc duy trì các áng Mo dân tộc Mường.
Với các số liệu điều tra có được phần nào đã khẳng định sự tồn tại và phát triển vai trò của các ông Mo, áng Mo sử thi của dân tộc Mường tại các địa phương trong tỉnh ở cuộc sống hiện đại, phát triển chung của nhân loại. Tính đến nay, đã tổ chức quay phim tư liệu được 04 phần diễn xướng Mo của 04 đám tang thật tại 04 vùng Mường lớn trong tỉnh Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong) và Mường Động (Kim Bôi) cho kết quả 1000 ảnh và gần 100 cuốn băng ghi hình.
Có thể khẳng định Mo Mường là loại hình văn hóa dân gian nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, là món ăn tinh thần trong cuộc sống của người Mường. Trong lịch sử hàng ngàn năm, Mo Mường đã góp phần hình thành dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn các thế hệ. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ dân Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa vô cùng quý giá này. Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng (huyện Tân Lạc) đã cho biết: Với giá trị đặc biệt, độc đáo của những áng Mo của dân tộc Mường góp phần không nhỏ vào xây dựng kho tàng văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Mường nói riêng, tôi mong muốn rằng Mo Mường sẽ được ghi nhận và được tôn vinh, trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia hay ở tầm cao hơn thế. Các giá trị của Mo Mường cần được đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn. Với cương vị là thầy Mo, tôi rất sẵn lòng để cung cấp thông tin, đồng hành cùng các cấp, các ngành làm cho Mo Mường ngày càng tỏa sáng, càng phát huy các giá trị tốt đẹp, phục vụ cho chính đời sống của chúng ta ngày càng văn minh, giàu đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc./.