DetailController

Giáo dục

Mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

19/06/2018 00:00
Mô hình trường học mới tại Việt Nam (viết tắt là VNEN) được triển khai theo dự án tài trợ kéo dài trong 3 năm của Quỹ Hỗ trợ Giáo dục toàn cầu (GPE) từ tháng 7/2012. Năm học 2012-2013, mô hình này triển khai tại 1.447 trường tại 63 tỉnh/thành phố. Hòa Bình là 1 trong 6 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm triển khai Mô hình trường học đối với 8 lớp 2 tại 4 trường tiểu học của 2 đơn vị thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn.
Dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại trường TH&THCS Nam Thượng, huyện Kim Bôi

 Căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện việc dạy học theo mô hình mới VNEN đến Ủy ban nhân dân các cấp và ngành giáo dục đào tạo của tỉnh để triển khai thực hiện. Cử cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về tổ chức dạy học theo Mô hình trường học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên của các trường tham gia triển khai mô hình trường học mới. Chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị dạy học để triển khai mô hình trường học mới. Đến năm học 2017-2018 trên địa bàn tỉnh có 146/352 trường thực hiện việc giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN (trong đó, cấp Tiểu học có 120 trường; cấp Trung học cơ sở có 26 trường).

Có thể nói, vận dụng phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới VNEN vào dạy học chương trình hiện hành là các hoạt động học tập được tổ chức, học sinh không thụ động, chờ đợi mà tự lực, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, phát hiện, chiếm lĩnh và giành lấy kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tiễn, qua đó học sinh được học tập, sáng tạo và phát triển phẩm chất, năng lực cho bản thân, mục tiêu là học sinh hình thành kỹ năng tự học và biết hợp tác, phối hợp là chính. Việc dạy học theo mô hình mới VNEN cho thấy tất cả các trường lớp trong mô hình trường học mới có bước phát triển mới và hiệu quả, đó là sự trưởng thành, thay đổi nhanh chóng của học sinh. Các em tự tin, mạnh dạn giao tiếp ở trường cũng như ở nhà, nhất là học sinh vùng dân tộc; Hội đồng tự quản và các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học thực sự góp phần đáng kể vào sự thay đổi của nhà trường.

Khảo sát thực tế ở các trường đã chú ý và chủ động hơn trong giáo dục toàn diện học sinh, giáo viên không còn chỉ quan tâm tập trung dạy chữ như mô hình truyền thống. Giáo viên không giảng bài mà chủ động hướng dẫn hỗ trợ, đính hướng cho học sinh tự học, do đó trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên có nhiều thời gian và cơ hội quan sát và đánh giá kịp thời quá trình học tập của các em. Đội ngũ Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên luôn có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và ý thức phấn đấu tích cực trong công tác giảng dạy để tiếp cận phương pháp mới, tích cực học tập trao đổi chia sẻ khó khăn vướng mắc trong quá trình dạy học đáp ứng với yêu cầu đổi mới và nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh học theo mô hình VNEN phát huy được tính tích cực trong học tập; tự giác, sáng tạo, tự quản, mạnh dạn, tự tin, hứng thú trong học tập; phát huy được các kĩ năng và gắn kết giữa nội dung học tập với đời sống thực tiễn.

Những khó khăn, hạn chế gặp phải khi triển khai mô hình VNEN là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các trường còn thiếu, chưa đồng bộ. Hầu hết diện tích lớp học, bàn ghế học sinh tại các trường học hiện nay đều được thiết kế cho lớp học truyền thống, thiếu không gian tổ chức lớp học theo hình thức học sinh ngồi theo nhóm trong giờ học, bàn ghế xếp cố định không linh hoạt được; thiếu trang thiết bị cơ bản (hoặc trang thiết bị đã xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, mua sắm mới) cho việc thực hiện mô hình VNEN: máy tính, máy chiếu, máy phô tô.. Bộ sách giáo khoa của mô hình VNEN là sách giáo khoa 3 trong 1 có giá thành cao hơn sách giáo khoa hiện hành, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khó có thể đáp ứng điều kiện học tập của con em. Nội dung trong sách được thiết kế sẵn, học sinh chỉ cần đọc và bắt chước một cách máy móc nên gây nhàm chán, có thể thuộc lòng nhưng không hiểu...

Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về dạy học theo mô hình VNEN, nên một số ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc, chưa linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học. Số học sinh đông ((30-40 học sinh/lớp), rất khó khăn cho giáo viên trong việc di chuyển, hướng dẫn, kiểm soát học sinh. Theo mô hình trường học mới, học sinh phải chuẩn bị bài trước ở nhà, cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, tuy nhiên trong thực tế việc tham gia hỗ trợ con cái học tập của nhiều gia đình còn rất hạn chế. Một số học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn rụt rè, nhút nhát, kỹ năng sử dụng tiếng phổ thông chưa thành thạo nên việc diễn đạt, trình bày, hợp tác theo nhóm còn hạn chế, khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu của bài học. Việc thực hiện mô hình VNEN chưa nhận được sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh, một số còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng dạy và học. Qua báo cáo và thực tế khảo sát tại các trường thực hiện triển khai mô hình trường học mới VNEN đã có những đề xuất cho phép không triển khai theo mô hình VNEN nữa mà trở về với phương pháp truyền thống.

Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn nhiều khó khăn, con em là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, chưa phù hợp với điều kiện thực hiện ở nhiều địa phương. Một số phụ huynh không đồng tình với việc dạy học theo mô hình mới; Một số gia đình cha mẹ chưa hỗ trợ con em mình trong việc chuẩn bị bài do phải đi làm ăn xa, hoặc do khả năng, điều kiện của gia đình còn hạn chế; giá thành bộ sách giáo khoa 3 trong 1 cao...

Để đem lại hiệu quả trong việc thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) Ban Văn hóa – xã hội đã kiến nghị, đề xuất với các cấp ngành cụ thể như sau:

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá tổng quát lại hiệu quả thực hiện theo mô hình VNEN trong toàn tỉnh trước năm học 2018 - 2019. Đánh giá bằng văn bản và có kết luận cụ thể trường nào, lớp nào tiếp tục triển khai còn lại sẽ dừng triển khai việc thực hiện mô hình VNEN. Chỉ đạo thực hiện mô hình VNEN trong thời gian tiếp đối với vùng, địa bàn, lớp, cấp đối với các trường học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên đảm bảo từng cấp học.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả của mô hình VNEN. Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá các điều kiện thực hiện mô hình, Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đối với từng địa phương, cấp học, lớp học đảm bảo về các điều kiện cụ thể như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố hướng dẫn việc tổ chức lớp học theo mô hình VNEN và lấy ý kiến của phụ huynh học sinh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất ở các trường học.

Đối với UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên các trường học trên địa bàn, lựa chọn phương án và kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất các trường học.

Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố: Tổ chức rà soát điều kiện cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trường học lựa chọn phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch cụ thể nếu tiếp tục triển khai mô hình VNEN, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh bằng văn bản cụ thể, phụ huynh học sinh được lựa chọn và đăng ký lớp học theo phương pháp truyền thống hay VNEN.

Đối với các Trường học: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền về mô hình trường học mới, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến Nhân dân. Căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, lựa chọn phương án và xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng hoạt động của nhà trường. Tổ chức lớp học theo 2 hình thức (truyền thống, VNEN) để phụ huynh học sinh được lựa chọn (nếu tiếp tục triển khai mô hình VNEN). Giáo viên cần tích cực nghiên cứu, tham khảo thêm tài liệu, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học và tích cực dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm; Giảng dạy đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; coi trọng dạy học theo hướng phát huy tích cực chủ động, sáng tạo cho học sinh.