DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng

16/10/2012 00:00

Mô hình “Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” được thực hiện ở 10 xã của 4 huyện Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Tân Lạc, Mai Châu đây là những huyện có tỷ lệ chị em phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế thấp, những năm trước đã có những trường hợp tái biến sau khi sinh và khi mang thai.

Tại các xã, Dự án chọn những thôn sâu, xa để thành lập các đội chuyển tuyến. Thành phần của nhóm chuyển tuyến bao gồm trưởng thôn, cán bộ y tế thôn, bản, đoàn thanh niên thôn, hội phụ nữ thôn. Nhiệm vụ của nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng là thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân nắm được nội dung về chăm sóc SKSS, vận động chị em có thai đi khám thai định kỳ. Bên cạnh đó đội chuyển tuyến cũng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển an toàn phụ nữ có thai, bà mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh tới cơ sở y tế.

Sau khi thành lập các nhóm chuyển tuyến, Dự án tổ chức cho các thành viên trong đội được tập huấn kiến thức chăm sóc SKSS, nội dung trọng tâm là những kiến thức về làm mẹ an toàn, nhận biết các dấu hiệu tai biến từ quá trình mang thai cho đến khi thai phụ chuyển dạ, đẻ và sau đẻ; những kiến thức cơ bản trong việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đi đôi với việc tập huấn kiến thức, Dự án cũng quan tâm đầu tư thiết bị cho các đội thực hiện nhiệm vụ như hỗ trợ cáng, võng, áo mưa, ủng, đèn pin cùng một số thiết bị y tế khác. Đồng thời cấp kinh phí cho các đội duy trì hoạt động tại cơ sở. Trên cơ sở kiến thức được tập huấn, được cấp kinh phí hoạt động nên các nhóm chuyển tuyến ở các xã đã hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở, thường xuyên đến thăm các hộ gia đình có chị em mang thai để kịp thời phát hiện dấu hiệu tai biến. Từ khi các nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng đi vào hoạt động, tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ các xã đã biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị; tỷ lệ chị em khi sinh đến cơ sở y tế cũng tăng lên; nhiều trường hợp nhờ nhóm chuyển tuyến đã sinh nở an toàn.

Chị Trần Thị Hoa, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ tâm sự: Tôi trở dạ đúng vào đêm 29 tết nhà lại cách xa cơ sở y tế, gia đình thì hoàn cảnh, phương tiện đi lại không có, chồng tôi đã nhờ nhóm chuyển tuyến hỗ trợ đưa xuống trạm y tế xã, sau lại được chuyển tuyến xuống bệnh viện huyện tôi đã sinh nở mẹ tròn con vuông.

Tương tự trường hợp chị Bùi Thị Ngoan ở khu 6 trị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc 16 năm lấy chồng chị mong mỏi có một mụn con, khi mang thai chị đã được nhóm chuyển tuyến tư vấn về cách làm mẹ an toàn, phải đi khám thai định kỳ, triệu chứng chuẩn bị sinh, phải đến cơ sở y tế để sinh nở nên khi chuyển dạ chị vào bệnh viện đa khoa huyện, niềm vui đã đến với gia đình, chị được làm mẹ năm 38 tuổi.

Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng động thực sự đã tác động trực tiếp đến hành vi đẻ tại nhà trước đây của người dân các xóm, tác động đến ý thức, thuyết phục được chị em đến đẻ tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện và kiến thức giúp thực hiện ca đẻ an toàn.