DetailController

Văn hóa

Mế Viển với bài thuốc thần bí

09/03/2012 00:00
Không bó, không nắn chỉ cần treo một túi thuốc nhỏ bằng 3 đầu ngón tay, cách người bị gãy xương vài mét tùy vào mức độ gãy xương của từng bệnh nhân là xương có thể tự liền lại. Sở hữu bài thuốc thần bí đó chính là bà Quách Thị Viển, người dân nơi đây thường gọi bà là Mế Viển ở xóm Đồi, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy.
Mế Viển với bài thuốc lạ

 Mế Viển bảo “Bí quyết của tôi cũng không có gì là lạ cả. Nó chỉ nằm vẻn vẹn trong chiếc túi này, mấy nắm lá, hai đồng xu bằng đồng và một con dao này thôi”. Câu chuyện của Mế với chúng tôi bắt đầu bằng một hồi ức về nguồn gốc của bài thuốc huyền bí đó. Cách đây mấy đời về trước, cụ cố của Mế Viển đi công tác tại Đông Triều, Quảng Ninh, nghỉ lại ở một gia đình người Trung Quốc.

Vừa lúc ấy gia đình chủ nhà có cô con dâu đau đẻ nhưng mãi vẫn không sinh được. Ông cụ cố của Mế Viển biết “bùa” đã “hà hơi” vào bát nước rồi cho thai phụ uống, uống xong bát thứ ba thì sinh hạ an toàn. Để cảm ơn người khách gia đình chủ nhà đã dạy lại cho cụ cố bài thuốc chữa gãy xương kèm theo hai đồng tiền có khắc chữ Nho. Họ nghĩ nếu trả ơn bằng vàng bạc của cải thì ngày qua ngày cũng hết, nên họ trả ơn bằng bài thuốc để sau này chữa bệnh cứu người, làm việc tốt cho xã hội.

Khi trở về quê, ông cụ đã dùng bài thuốc đó chữa trị cho rất nhiều người bị gãy chân tay ở trong vùng. Ông cụ gọi đó là bài thuốc “cách bức”. Bài thuốc quý đó đã được truyền từ đời này qua đời khác và đến Mế Viển là người con thứ 7 trong dòng họ giữ báu vật quý giá này. Mế đến với nghề từ lúc 28 tuổi, lần đầu tiên lấy thuốc cho một người ở trong xóm bị gãy chân và sau đó đã khỏi hoàn toàn. Mế kể rằng: “Đây là bài thuốc gia truyền chứ không phải đi học nghề, lúc đầu tôi cũng không thích làm việc này, nhưng năm đó mẹ tôi mất, anh trai thì theo nghề bố (thầy cúng) nên tôi phải làm thôi, không ngờ đó cũng là cái duyên số khiến tôi đam mê và gắn bó suốt đời với nó”.

Ngoài bài thuốc chữa gãy tay chân đặc bệt này, Mế Viển còn chữa được bệnh bỏng và sỏi thận rất hiệu quả, với bệnh sỏi thận thì dùng bài thuốc sắc để uống, còn bị bỏng thì dùng bài thuốc đắp ngoài da.

PV hỏi Mế: “Vì sao lại được gọi là bài thuốc phương pháp “cách bức”?”. Mế Viển giải thích rằng: “Đó là bài thuốc không băng bó vào vết thương hay vào người, nếu đeo vào người thì bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, nôn nao và khó chịu”. Lúc đi ngủ thì chỉ treo thuốc lên trên đầu giường, tùy từng bệnh nhân vết thương mới hay lâu, rồi hạ dần khoảng cách xuống đến gần vết thương, đến lúc hạ sát vết thương thì cũng là lúc khỏi hẳn. Với người trên 50 tuổi thì treo lên cao cách đầu 2 mét, còn với bệnh nhân dưới 10 tuổi thì treo lên với khoảng cách 7 mét. Người bị gãy chân thì có thể giắt gói thuốc vào mang tai. Nhẹ thì chỉ cần bốc khoảng 6 lần, còn nếu bị nặng phải lấy khoảng 10 lần, nhưng nếu nặng đến mức phải đóng đinh thì phải đến hai tháng mới khỏi được.

Bà thật thà nói: “Đây là bài thuốc kì lạ, lúc đầu chính tôi cũng nghi ngờ tác dụng của nó bởi tôi nghĩ cả Việt Nam chắc không có bài thuốc nào đặc biệt như vậy”. Nếu như bệnh nhân bị gãy tay, chân thì trong khoảng hai năm trở lại nếu còn đau thì vẫn chữa được, nhưng đã thành tật thì không thể khỏi nữa do xương đã phát triển thừa hay tạo thành sẹo.

Nói đúng ra thì phương pháp chữa bệnh này nghe ra rất ly kỳ, huyền bí. Rất nhiều người không hề tin vào cách chữa trị của Mế Viển. Một trong hai người phụ nữ vừa vào “xin thuốc” của Mế đó là cô Bùi Thị Mến, ở xóm Nhòn, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy). Cô đang nhờ Mế lấy thuốc cho chồng mình. Cô Mến nói chồng cô bị gãy tay trong một lần say rượu ngã, tưởng chỉ bị trật khớp thông thường nên gia đình đi tìm lá rừng để băng bó qua loa, mấy hôm sau hoảng hốt khi vết thương sưng to lên và đau dữ dội. Cô và các con đưa ông đến bệnh viện để chụp và bó bột. Nhưng không hiểu sao khi hết thời gian băng bó, tháo ra rồi lại sưng to hơn trước.

Mọi người khuyên chồng chị lên Mế Viển lấy thuốc nhưng thực ra sống ở núi rừng bao đời nay chồng chị cũng không tin lắm vào bài thuốc treo của Mế Viển. Các con vận động thế nào ông cũng từ chối không đi. Thương chồng nên cô đã bí mật đến đây xin thuốc Mế về treo ở góc giường. Nhờ bài thuốc đó mà chồng cô đã đỡ đau hơn, vết thương đã không sưng nữa, tay ông có thể cử động được. Lúc bấy giờ ông ấy mới tin vào bài thuốc của Mế Viển. Hôm nay lại còn giục cô tới nhà Mế xin thuốc về uống cho khỏi hẳn.

Trước đó, PV tìm đến nhà anh Bùi Văn Niên ở xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu là một bệnh nhân đang dùng bài thuốc của vị “thần y” này. Gặp anh đang nằm trên giường, treo lên đầu là hai gói thuốc nhỏ cách khoảng 2 mét. Anh kể trong một lần đi làm khai thác đá cùng bạn, không cẩn thận nên bị đá sập xuống đè gẫy chân. Anh có đi bệnh viện và băng bó được 25 ngày, tháo băng ra nhưng vết thương không đỡ. Qua 5 lần lấy thuốc nhà bà Viển, bây giờ anh đã có thể đi lại được.

Hiện tại, phương thuốc “huyền bí” này Mế Viển vẫn chưa truyền lại cho ai cả, hút hơi thuốc dài rồi bà cười: “Tôi chưa chết nên chưa thể truyền cho ai được, làm nghề cứu người này phải là người hiền hậu, có đức, có tâm nên phải xem xét nết ăn nết ở của con cháu từ nhỏ đến lớn xem ai thích hợp mới truyền lại cho. Nhưng chỉ truyền lại cho đúng một người, con trai hay con gái đều có thể được".

Anh Bùi Văn Kiển, Y Sĩ tại trạm Y tế xã Lạc Lương cho biết: Anh cũng được nghe mọi người nói có trường hợp được Mế Viển chữa khỏi gãy tay và bỏng. Nhưng đa số các trường hợp bị gãy tay đều vào bệnh viện nắn lại xương, bó bột xong mới qua nhà bà xin thuốc. Chính ông cũng không dám khẳng định là bà chữa khỏi hoàn toàn hay không vì cũng có trường hợp đến xin thuốc của bà nhưng đi lại vẫn bị tật. Nhưng cũng có thấy có trường hợp khỏi nhanh hơn bình thường.

Ông Bùi Văn Quang, phó chủ tịch xã cho hay: Về chuyện tâm linh thì ông cũng không rõ, nhưng việc bà Viển chữa bệnh cho mọi người là việc làm tốt, bốc thuốc cho mọi người bà cũng không đòi hỏi gì. Năm ngoái nhà ông có anh trai bị gãy tay cũng vào xin thuốc của bà, theo người nhà ông thì bài thuốc này có tác dụng như thuốc mê, không gây đau cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân bị gãy lệch xương thì bà đến tận nhà để nắn lại xương rồi dùng cây dâu để bó lại. Còn tỉ lệ phần trăm chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân thì ông Quang cũng không biết chính xác vì chưa có sự kiểm chứng.