Pà Cò là một xã miền núi cao của huyện Mai Châu, có dân số trên 3.000 người, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Nói đến văn hóa của đồng bào Mông, người ta thường nhớ đến đầu tiên là bộ trang phục, nhất là bộ trang phục của phụ nữ, với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Trong cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang bắt nhịp xu hướng mới, thì những bộ váy áo của đồng bào Mông vẫn luôn được yêu thích và được tìm đến mỗi khi cần đến chất liệu trong những sự kiện đặc biệt hay những hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Theo ông Sùng A Kềnh - Trưởng ban Công tác Mặt trận, Khu dân cư Chà Đáy, xã Pà Cò cho biết: Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông cũng hết sức phong phú, được thể hiện qua các phong tục tập quán, quan niệm về trời đất và con người, vạn vật. Đồng bào Mông có kho tàng thơ ca bao gồm nhiều thể loại như: Thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ, truyện thơ, sử thi,... Đồng bào Mông rất yêu thích văn nghệ, sử dụng thành thạo kèn lá, đàn môi, khèn. Âm nhạc dân gian của đồng bào Mông mang nhiều vẻ độc đáo, rất đặc trưng, khó lẫn với âm nhạc của dân tộc khác, đặc biệt âm nhạc hòa âm như: Trống, khèn, sáo nhị...
Với nhiều nét truyền thống đặc trưng như vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Mông ở xã Pà Cò đã và đang được ông Kềnh cùng những người làm công tác Mặt trận của xã duy trì thực hiện hàng năm. Bên cạnh các phương pháp bảo tồn như: Sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ toàn bộ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức tư liệu hóa để bảo quản lâu dài, Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư Chà Đáy đã tiến hành phương pháp bảo tồn thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng, chú trọng khai thác chất liệu dân gian, tiêu biểu là đổi mới tổ chức phần hội Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian, dân tộc của đồng bào Mông ở xã Pà Cò.
Theo ông Kềnh, việc tổ chức các hoạt động này trong Ngày hội không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua những lời ca, điệu múa, trò chơi dân gian hay những bộ trang phục truyền thống, bà con các dân tộc Mông xã Pà Cò đã giúp cho Ngày hội trở nên ý nghĩa, thiết thực hơn khi giá trị văn hóa của cha ông để lại được gìn giữ, lưu truyền. Nhờ đó đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp Nhân dân, thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Mông, thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng bền vững và hiệu quả, mang lại sinh kế, thu nhập cho bà con.
Đồng chí Mùa A Danh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Pà Cò cho biết, di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng hết sức phong phú và đa dạng về giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa luôn được bảo lưu, trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong dòng chảy của cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam./.