Giai đoạn 2020-2023, huyện đã có rất nhiều loại cây trồng được đưa vào sản xuất áp dụng từ việc nghiên cứu và ứng dụng CNC, CNSH như: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo ngon như Việt lai 20, TBR1, TBR 36, Thiên Ưu 8 mới, Thụy Hương 308...và một số giống chất lượng, kháng được một số bệnh hại như: J01, J02, BC15, BC15 kháng đạo ôn, TBR 225 kháng bạc lá...đã được sử dụng rộng rãi trong một số năm gần đây, dần dần thay thế bộ giống cũ năng suất thấp.
Các loại cây trồng đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao cũng thường xuyên được sử dụng để thay thế những giống cũ phù hợp hơn với điều kiện canh tác tại địa phương, năng suất cao hơn và sức chống chịu tốt hơn như: Bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, dưa hấu, khoai tây,...Trong chăn nuôi áp dụng CNC, CNSH chủ yếu trong việc nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu bò và đàn lợn nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Đã áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến trong sản xuất như: Áp dụng công nghệ cao để sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm: Trong giai đoạn đã có trên 252 ha cây ăn quả và rau các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,,, và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất trồng trọt sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh để bón cho các loại cây trồng; sử dụng màng phủ sinh học để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại; xây dựng các nhà lưới để nhân giống và sản xuất nông sản thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng bẫy bả chua ngọt để dẫn dụ côn trùng; sử dụng các chế phẩm sinh học có các loài vi sinh vật có ích để ủ phân xanh, phân chuồng và cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh trong đất và tránh làm hại đến cây trồng.
Trong chăn nuôi, đã ứng dụng trong việc sử dụng các loại vắc-xin phòng và điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm; sử dụng đệm lót sinh học trong các chuồng trại chăn nuôi hạn chế mùi và nấm bệnh; dùng các chế phẩm lên men, ủ chua thức ăn thô xanh để dự trữ cho vật nuôi; phổ biến xây dựng các bể biogas tận dụng chất thải chăn nuôi làm ga sinh học góp phần xử lý chất thải chăn nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tới nay, toàn huyện có 16 Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGap gồm các sản phẩm rau an toàn, cây ăn quả (cam, bưởi, chuối, nhãn, ổi), sắn dây, mật ong, gà thả vườn,.. với diện tích sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGap trên 224,5 ha và 8 Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ gồm các sản phẩm rau hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ, với diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ trên 27,5 ha.
Đến nay huyện Lương Sơn đã chuẩn hóa được 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3,4 sao cấp tỉnh đó là: Mật ong Lâm Sơn, Thịt dê núi Lương Sơn, Trứng vịt Hùng Tiến, Thịt gà Thuận Phát, Ổi Lê Mỹ Tân, Bưởi Diễn Mỹ Tân, Chuối Viba, Chè Mỹ Tân, Cao Sạ đen Tuyết Nhi, Cao Cà gai leo Tuyết Nhi. Dự kiến đến hết năm 2022 huyện Lương Sơn chuẩn hóa thêm 02 sản phẩm OCOP đưa số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP của huyện lên 13 sản phẩm.
Trên địa bàn huyện đã có 01 nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ, lặc lày Lương Sơn và 05 nhãn hiệu được chứng nhận gồm: Rau, củ, quả hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn, Cam Lương Sơn, Bưởi Lương Sơn, Gà thả vườn Lương Sơn. Sau thời gian được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhiều tổ chức, cá nhân đã nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, chất lượng hàng hóa được nâng lên, vị thế và thương hiện nông sản Lương Sơn như: Rau hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn,…
Việc ứng dụng CNC, CNSH vào sản xuất trong nông nghiệp là rất lớn, làm thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất quy mô hơn mang tính hàng hóa. Nhận thức của người dân được nâng cao, thu nhập cũng từ đó tăng lên. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, như: Chi phí đầu tư CNC cao; việc ứng dụng CNC đòi hỏi trình độ cao, trong khi đó lao động địa phương còn hạn chế về tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế…
Thời gian tới, để phát triển việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, UBND huyện Lương Sơn đề xuất UBND xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách thu hút doanh nghiệp, lao động có trình độ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa liên kết sản xuất nông nghiệp, nông thôn; có chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch đã được phê duyệt; Chính sách hỗ trợ để khuyến khích các HTX, Tổ hợp tác, làng nghề, sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm./.