DetailController

Thời sự trong ngày

Lương Sơn: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới xuất khẩu

14/03/2023 17:00
Thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Lương Sơn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện từng bước chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng và đã đạt được những kết quả nhất định theo kế hoạch đề ra.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn quả, dược liệu, rau, củ quả gắn liền với chuỗi liên kết giá trị chất lượng cao; một số sản phẩm nông nghiệp của huyện đã từng bước xây dựng được thương hiệu như: Chuối viba, Dê núi Lương Sơn, rau hữu cơ Lương Sơn...; công tác thuỷ lợi được quan tâm đầu tư; chăn nuôi trang trại tập trung hoạt động có hiệu quả; công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm; nhiều HTX, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp sản xuất theo hướng VietGAP, Hữu cơ, ... hướng tới đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu sản phẩm chủ lực của huyện theo hướng xuất khẩu.

Để triển khai thực hiện đề án, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tích tụ đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích phát triển sản xuất…nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn huyện Lương Sơn đã có 04 nhãn hiệu chứng nhận gồm: Rau, củ, quả hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn, Cam Bưởi Lương Sơn, Gà thả vườn Lương Sơn. Sau thời gian được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhiều tổ chức, cá nhân đã nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, chất lượng hàng hóa được nâng lên, vị thế và thương hiện nông sản Lương Sơn như: rau hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn,... cũng dần được khẳng định.

Đến hết năm 2022 huyện Lương Sơn đã chuẩn hóa được 13 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3,4 sao cấp tỉnh đó là: Mật ong Lâm Sơn, Thịt dê núi Lương Sơn, Trứng vịt Hùng Tiến, Thịt gà Thuận Phát, Ổi Lê Mỹ Tân, Bưởi Diễn Mỹ Tân, Chuối Viba, Chè Mỹ Tân, Cao Sạ đen Tuyết Nhi, Cao Cà gai leo Tuyết Nhi, Cao dây thìa canh, Trà túi lọc cây thìa canh.

Toàn huyện có 21 cơ sở được chứng nhận sả xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ trong đó 09 cơ sở được cấp chứng nhận lĩnh vực trồng rau, quả với diện tích 42 ha; 10 cơ sở được cấp chứng nhận lĩnh vực cây ăn quả với diện tích trên 200 ha; 01 cơ sở được cấp giấy chứng nhận lĩnh vực chăn nuôi gà với quy mô sản xuất 100.000 con/năm; 01 cơ sở được cấp chứng nhận chăn nuôi ong mật với quy mô trên 2.000 đàn ong mật.

Trên địa bàn huyện có 02 Hợp tác xã trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 25,53ha, 02 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói.

Để phát triển hàng hóa xuất khẩu, huyện chủ trương tập trung phát triển vùng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tới nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Lương Sơn 2.193,94 ha, trong đó diện tích trồng cây Bưởi 751,4 ha; diện tích cây cam 360 ha; diện tích cây chuối 220 ha; diện tích cây nhãn 150 ha,... Diện tích cây ăn quả được duy trì ổn định, tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, các chủ vườn đã dần chuyển sang hướng sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn hữu cơ, VietGap,... tạo ra các sản phẩm OCOP của huyện.

Huyện Lương Sơn được quy hoạch 1.458 ha trồng rau an toàn và được quy hoạch là vành đai nông nghiệp xanh cung cấp rau an toàn cho huyện và đặc biệt là thành phố Hà Nội. Đến nay toàn huyện có 35,62 ha sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn (20,62 ha sản xuất rau hữu cơ và 15 ha sản xuất rau an toàn) với hình thức sản xuất theo nhóm, HTX có sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm sản xuất chủ yếu là các loại rau ăn lá như: rau cải, cà chua, rau ngót, rau dền, rau muống, rau thơm, bí xanh, lặc lày,.... Sản phẩm rau hữu cơ huyện Lương Sơn đã có thương hiệu và tiềm năng thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn, giá cả ổn định, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Về chăn nuôi, huyện tập trung phát triển đàn dê gắn với lợi thế địa phương; hiện tổng đàn dê có khoảng 9.000 con. Để phát triển rừng trồng gỗ lớn huyện đã tận dụng tối đa thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng hàng năm diện tích trồng rừng tập trung trên 700ha rừng trồng gỗ lớn, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ cho công nghiệp chế biến như: gỗ, gỗ ván bóc, gỗ băm.

Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu nông sản hàng hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2022 đạt trên 148 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Lương Sơn còn chậm chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện chưa cao; sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; việc thu hút các công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp chưa nhiều; việc xây dựng Hợp tác xã để liên kết chuỗi cung ứng thiếu bền vững, chất lượng hoạt động của nhiều Hợp tác xã còn yếu kém; đầu ra một số mặt hàng nông sản chưa ổn định, còn bấp bênh, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, sản xuất của người dân. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ kỹ thuật canh tác, về giống, các khâu trong sản xuất tuy có phát triển hơn so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều tại các xã, thị trấn; chưa có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả “Đề án Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho xây dựng cơ chế, chính sách cho chương trình xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất kết nối tiêu thụ nông sản xuất khẩu; có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình sản xuất, tạo nông sản hàng hóa mang gia trị tầm xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng./.