Tình hình chăn nuôi trên địa bàn được duy trì ổn định, công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc đã được các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và người dân đồng lòng thực hiện, tổng đàn vật nuôi tăng so cùng kỳ. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trong mùa khô được tăng cường; cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện địa phương; các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa được áp dụng các khâu trong sản xuất; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai; sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm được chú trọng phát triển; công tác quản lý chất lượng và ATTP hàng nông sản được tăng cường; phát triển nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện.
Theo dự báo các tháng 12/2023-2/2024 là tháng khô kiệt nhất trong vụ Đông Xuân, một số nơi vùng núi cao có khả năng không có mưa kéo dài cả tháng, dự báo có khả năng sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, khó khăn trong đảm bảo nguồn nước gieo trồng và tưới dưỡng cho các loại cây ăn quả (cây có múi, nhãn vải) giai đoạn phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả; cần có phương án trữ nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi. Diện tích gieo trồng cây hàng năm tại các xã, thị trấn có xu hướng giảm do thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội; ngoài ra còn một số diện tích đất chưa được tận dụng sản xuất; Năm 2023 có 356,23 ha đất sản xuất nông nghiệp được thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, do đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm năm 2024.
Do vậy, huyện chỉ đạo cần thực hiện thâm canh, tăng vụ nhằm mở rộng diện tích gieo trồng; kiên quyết chỉ đạo nông dân tiếp tục sản xuất trên các diện tích đã có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện thu hồi và chuyển mục đích sử dụng, không để đất trống; tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất, sản lượng. Tiếp tục chủ động chuyển đổi những diện tích đất lúa, đất mầu kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, nhưng không làm thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; áp dụng biện pháp kỹ thuật điều khiển ra hoa đậu quả thích hợp theo điều kiện thời tiết. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Làm tốt thủy lợi nội đồng. Thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án khung giá rừng trên địa bàn tỉnh; quản lý tốt quy hoạch 3 loại rừng, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đúng mục đích, hiệu quả. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phương án bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; bố trí lực lượng, chuẩn bị tốt hiện trường, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm 3.970 ha; trong đó: Cây lúa 1.900 ha; Cây ngô 900 ha ; cây khoai lang 100 ha; cây lạc 120 ha; mía 10 ha; cây rau, đậu các loại 400 ha; cây hàng năm khác 540 ha; sản lượng lương thực có hạt 14.960 tấn. Phấn đấu tổng đàn trâu, bò 12.000 con; đàn lợn 75.000 con; gia cầm 1.210 nghìn con; duy trì 365 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trồng phân tán 120 nghìn cây, trồng rừng tập trung 650 ha; Quản lý, bảo vệ, chăm sóc 14 nghìn ha rừng trồng, rừng tự nhiên./.