DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Lương Sơn: Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa – Hè thu 2024 đạt trên 4 nghìn ha

21/06/2024 15:08
Vụ Đông xuân năm 2024, đầu vụ thời tiết cơ bản thuận lợi, nguồn nước đảm bảo cho việc tưới tiêu, các địa phương của huyện Lương Sơn đã gieo trồng đảm bảo khung thời vụ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 3.979,95 ha đạt 100,3% kế hoạch và bằng 112,27% cùng kỳ. Tổng diện tích cây lương thực có hạt 2.817,3 ha đạt 100,6 % kế hoạch và bằng 101% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 16.262,6 tấn đạt 106% kế hoạch và bằng 101,1% so cùng kỳ.
Vụ Mùa - Hè Thu huyện Lương Sơn phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 4.050 ha

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện duy trì ổn định, số đàn gia cầm tăng. Tổng đàn đàn trâu, bò 12.505 con đạt 104,2% kế hoạch và bằng 98,8 % so cùng kỳ; đàn lợn  78.642 con đạt 103,5 % kế hoạch và bằng 103,6 % so cùng kỳ; đàn dê 7.700 con đạt 98,7% kế hoạch và bằng 100,3%; đàn gia cầm đàn gia cầm 1.368,7 nghìn con đạt 95,7% kế hoạch và bằng 94,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến tháng 6 ước trên 13.182 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 401,62 ha, đạt 111,6% so kế hoạch và bằng 101,1% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 720 tấn đạt 60% kế hoạch và bằng 123,5% so cùng kỳ.

Đến tháng 6 năm 2024 toàn huyện đã trồng 63.000 cây phân tán các loại. Diện tích trồng tập trung 618,89 ha/650 ha đạt 95,2% kế hoạch và bằng 143,4% so cùng kỳ; diện tích khai thác rừng trồng được 713,83 ha, sản lượng ước đạt 55599,3 m3. Thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng đối với rừng trồng các năm trước và rừng tự nhiên, diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên 2.262,4 ha, diện tích chăm sóc rừng trồng trên 10.000 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng ước đạt 40%. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hòa Bình, kế hoạch năm 2024, diện tích hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn với diện tích 108,68 ha.

Vụ Mùa - Hè thu, huyện Lương Sơn chủ động triển khai các nhiệm vụ giải pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; chỉ đạo tổ chức sản xuất theo kế hoạch đã ban hành. Tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất trên những diện tích đất bỏ hoang, đất quy hoạch các dự án nhưng chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 theo chỉ tiêu được giao. Mở rộng diện tích gieo trồng, không để đất trống; tăng cường chăm sóc, thâm canh cây trồng để nâng cao năng suất, sản lượng. Tiếp tục chủ động chuyển đổi những diện tích đất lúa, đất mầu kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, nhưng không làm thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất. Bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp tạo quỹ đất sớm để triển khai sản xuất cây trồng vụ Đông. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Làm tốt thủy lợi nội đồng. Thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 4.050 ha, trong đó cây lương thực có hạt 2.950 ha (Lúa 2.050 ha, năng suất 52,5 tạ/ha; Ngô 900 ha, năng suất 46 tạ/ha); Khoai lang 100  ha; Lạc 80 ha; Rau, đậu các loại 320 nghìn ha. Cây gia vị, dược liệu hàng năm và cây hàng năm khác 600 ha. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai phục vụ sản xuất; tập trung cải tạo, nâng cao giá trị vườn tạp gắn với chỉnh trang nông thôn, xây dựng vườn mẫu; Khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực.

Tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi; tập trung thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lưu thông gia súc, gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y, hoạt động các chốt kiểm dịch động vật. Tổ chức phun khử trùng tiêu độc. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, liên kết theo chuỗi để giảm giá thành và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy định pháp luật về chăn nuôi và thú y, xử lý môi trường tới các hộ chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chỉ đạo thực hiện tốt việc dự trữ rơm rạ làm thức ăn, phòng chống dịch bệnh, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và mùa đông. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ phòng chống dịch bênh; tập trung chăm sóc phòng trừ dịch bệnh đối với thủy sản nuôi; chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý các loài thủy sản nuôi trong mùa mưa bão; nghiêm cấm việc đánh bắt thuỷ sản bằng chất nổ, hoá chất và xung điện.

Vụ Đông 2024 phấn đấu gieo trồng khoảng 630 ha cây vụ đông, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô khoảng 100 ha, bao gồm cả ngô sinh khối trồng dùng để chăn nuôi, Khoai lang 120 ha, đậu tương 10 ha, rau đậu các loại 400 ha, trong đó tập trung vào một cố loại rau có thế mạnh như các loại rau họ thập; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; tăng diện tích các loại rau. Các địa phương cần mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng vụ đông, tăng thu nhập trên diện tích canh tác. Rà soát, xác định cụ thể từng loại đất để bố trí sản xuất vụ đông; đồng thời tận dụng các loại đất bưa bãi, đất đồi thấp, đất ven sông suối, vườn nhà... kết hợp trồng xen gối vụ, đa dạng cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng có thời vụ dài như khoai tây, lạc, rau đậu nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Đối với cây ngô, bên cạnh việc trồng ngô lấy hạt cần đẩy mạnh trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc; với các loại rau màu cần chú ý trồng rải vụ, đa dạng nguồn giống, đặc biệt chú trọng khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và mối quan hệ cung - cầu, giảm thiểu tình trạng ứ đọng sản phẩm do dư thừa. Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, chống dịch, tích cực dự trữ thức ăn phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò, các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô; điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất./.