Một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu như: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp hàng năm đạt 4 - 5%; Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt 2.200 tỷ đồng; Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 250 triệu đồng /ha; Duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 %.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Phấn đấu tỷ lệ hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 10 %; Hình thành từ 3-5 vùng sản xuất chuyên canh, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 20 - 25 % tổng sản lượng nhóm nông sản chủ lực. Tỷ lệ giá trị nông sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25 %; ít nhất 70 % sản lượng các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của Vùng thủ đô và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn.
Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện Nông thôn mới; phấn đấu có 6 xã đạt xã Nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm từ 10 - 30 khu dân cư kiểu mẫu; 35 - 50 vườn kiểu mẫu được công nhận; có 20 - 25 sản phẩm được chuẩn hóa sản phẩm OCOP.
Huyện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao, thời gian hoàn thành năm 2025, cụ thể tại các xã: Liên Sơn, Cao Dương Thanh Sơn; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế như: Rau các loại, cây dược liệu, cây ăn quả (chuối, ổi, táo…); Phát triển, nhân rộng diện tích sản xuất nông nghiệp rau hữu cơ, an toàn theo hướng tập trung, với diện tích 100 ha, tại các xã (Tân Vinh 10 ha, Cao Sơn 20 ha, Cư Yên 10 ha, Liên Sơn 20 ha, Cao Dương 20 ha, Nhuận Trạch 10 ha và Thanh Cao 10); Đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng diện tích cây ăn quả ( cây có múi) hiện có, diện tích 1.400 ha tại các xã: Cao Dương, Liên Sơn, Thanh Sơn, Cao Sơn… Tiếp tục cải tạo 1.000 vườn tạp, phát triển một số cây trồng theo hướng đa mục tiêu, như cây Maca, cây giổi lấy hạt, cây Ca cao…
Tập trung phát triển các giống vật nuôi có lợi thế của địa phương như: Lợn bản địa, gà thả vườn, dê núi, vịt Bầu Bến…, tại các xã: Cao Sơn, Liên Sơn, Cao Dương và Thanh Sơn; gắn sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hình thành khu sản xuất chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư phát triển trang trại, gia trại tại các xã: Cao Dương, Liên Sơn, Thanh Sơn... Giảm dần tổng đàn trâu, bò; phát triển đàn lợn, gia cầm, đàn dê, đàn ong…Đến năm 2025 tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi an toàn sinh học chiếm trên 50 %.
Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, đến năm 2025 phấn đầu trồng 600 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa khoảng 1.500 ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; trồng trên 300.000 ha cây phân tán.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 chuẩn hóa 10 - 15 sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được chuẩn hóa. Xây dựng các điểm, trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP; tổ chức kết nối cung cầu, tham gia giới thiệu các sản phẩm nhằm thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu.
Tiếp tục thúc đẩy kinh tế hộ phát triển sản xuất quy mô trang trại, hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gắn với thị trường; Khuyến khích hộ cá thể tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực canh tranh, thích ứng thị trường.
Huyện yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở phải xác định gắn việc chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án đề ra./.