Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới ở huyện Lương Sơn, từ huyện đến cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp trên, chỉ đạo khai thác và phát huy tiềm năng trí tuệ của phụ nữ, tăng cường đầu tư xây dựng các mô hình hoạt động nghề, mô hình kinh tế, hướng vào các hoạt động thiết thực của phụ nữ.
Trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức được gần 25.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ được tham gia Luật Bình đẳng giới và các văn bản liên quan. Nhờ làm tốt hoạt động tuyên truyền, nhận thức về bình đẳng giới đã từng bước có những chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc phụ nữ trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến nâng cao vai trò của người phụ nữ trong các tổ chức chính trị xã hội ngày càng được quan tâm. Các tầng lớp phụ nữ ngày càng có ý thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội, vị thế của phụ nữ ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thực hiện khoản 2 điều 29 và điều 31 trong Luật Bình đẳng giới về trách nhiệm của Hội phụ nữ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, các cấp ủy đã có sự quan tâm nhất định đối với cán bộ nữ trong hoạt động công tác cũng như trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Hiện tỷ lệ nữ là trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể huyện là 28 đồng chí.
Thực hiện quy định tại khoản 1,3,4 điều 29 về tham gia giám sát, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và các quy định liên quan tại Nghị định số 70/2008/NĐ-CP, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP về quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, các cơ sở đã có hơn 3.500 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 dự thảo sửa đổi điều lệ Hội LHPN Việt Nam. Đã tổ chức 78 Buổi giám sát cho trên 4.200 lượt cán bộ hội viên phụ nữ tham gia học tập về giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Qua đó đã phát hiện những bất cập, kịp thời phản ánh đến cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết; đồng thời kết quả giám sát là cơ sở cho việc tham gia xây dựng phản biện xã hội, đề xuất hướng giải quyết trong từng lĩnh vực liên quan.
Trong thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trong toàn huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác nhân sự nữ tham gia cấp ủy và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kết quả sau bầu cử tỷ lệ tham gia cấp ủy cấp huyện có 6/41 đồng chí nữ, chiếm 14,63%, tăng 4,37% so với nhiệm kỳ trước (trong đó cán bộ nữ là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là 02 đồng chí, tăng 01 đồng chí so với nhiệm kỳ trước). Có 10/40 đồng chí nữ là đại biểu HĐND cấp huyện, chiếm 25%, tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước; Cấp xã có 68/414 đồng chí nữ tham gia cấp ủy chiếm 16,42% và có 111/518 đồng chí nữ là đại biểu HĐND cấp xã, đạt tỷ lệ 21,5%.
Bên cạnh đó, huyện còn làm tốt việc xây dựng các mô hình thực hiện Luật Bình đẳng giới. Hoạt động của các CLB gia đình hạnh phúc, nhóm truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản, tín dụng tiết kiệm ....đã thu hút được sự tham gia của nam giới, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.
Nhìn chung, trên thực tế vẫn còn một số bất cập như tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ nữ là lãnh đạo còn ít; nữ giới vẫn thiệt thòi hơn trong tuyển dụng, sắp xếp nhân sự. Tuy nhiên, từ các hoạt động trong cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân, dần dần loại bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; mở ra những cơ hội tốt hơn cho người phụ nữ trong việc được giáo dục, chăm sóc sức khỏe, có nhiều cơ hội được thăng tiến trong công việc, sống hạnh phúc.
Thời gian tới, để việc thực hiện Luật Bình đẳng giới ngày càng lan rộng và có chiều sâu, cần tiếp tục nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhận thức giới. Thực hiện giám sát việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm việc triển khai Luật Bình đẳng giới được thực thi tích cực, ngày càng tạo điều kiện và phát huy vai trò của phụ nữ trong cuộc sống./.