Một ngày cuối năm Canh Dần, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Công Minh - Phó Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Cao Phong báo tin vui: - Đảng bộ, quân dân xã Tân Phong vinh dự Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời kỳ chống Pháp và được Huyện ủy Cao Phong khen thưởng về thành tích xuất sắc trong bốn năm (2007 - 2010) thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nhận lời mời của anh Minh tôi vội thu xếp công việc về cùng chia vui cùng Đảng bộ, quân dân xã nhà. Suốt dọc con đường dẫn vào trụ sở UBND xã cùng các trụ đường liên xóm, bản được sửa chữa nâng cấp như được “khoác thêm bộ áo mới” đỏ rực cờ hoa. Niềm vui của chúng tôi như được nhân đôi khi bắt gặp những khuôn mặt rạng ngời niềm tin của người dân Tân Phong trong Lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND.
Ông Bùi Văn Nội, một đảng viên cao tuổi ở xóm Trang Giữa nhớ lại: - Với vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế nên trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp, Tân Phong được Ban dân sự Đảng tỉnh Hòa Bình chọn làm địa điểm thành lập Chiến khu cách mạng Cao Phong - Thạch Yên để chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm căn cứ xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Trải qua hai cuộc kháng chiến thực dân chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tân Phong đã đóng góp cho các chiến trường hàng nghìn tấn lương thực và thực phẩm, gần 400 người con ưu tú của quê hương lên đường ra trận góp phần cùng dân tộc làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống Anh hùng trong chiến đấu, Đảng bộ, quân dân Tân Phong đoàn kết một lòng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Trong những năm gần đây, khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tân Phong có bước phát triển mạnh, luôn đứng ở tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện Cao Phong . Tân Phong đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 10%. Đến năm 2010, tăng trưởng kinh tế của xã đạt 13,5%;, thu nhập của người dân khoảng 10 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hai lần so với năm 2006. Đảng bộ, quân dân xã Tân Phong được Huyện ủy Cao Phong biểu dương trong Cuộc vận động lớn này. Sau cái bắt tay rất chặt, ông Bùi Văn Nội xúc động nói: “Có được cuộc sống như hôm nay, người dân Tân Phong biết ơn Đảng nhiều lắm!”
Dẫn chúng tôi đến thăm trường Mầm non của xã, Bí thư Đảng ủy Bùi Văn Tín cho biết, Tân Phong có 501 hộ và gần 2500 nhân khẩu, với gần 99% dân số là dân tộc Mường, chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng rừng. Đảng bộ xã có 12 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ chi bộ xóm, bản. Tân Phong tuy chỉ cách trung tâm huyện Cao Phong có 5km nhưng mặt bằng dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân về mọi măt còn nhiều hạn chế. Vì vậy khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy xã xác định, đây là một dịp để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, trước hết tập trung vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Đồng thời tích cực chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ở bước “Làm theo” mỗi đơn vị, bộ phận trong “guồng máy” chỉ đạo, điều hành của xã đều xây dựng Chương trình hành động phù hợp với nhiệm vụ, chức trách được giao, ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc tạo niềm tin cho nhân dân.
Đối với Đảng ủy và chính quyền xã có Chương trình hành động “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”. Để đánh đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi ủy ở cơ sở tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho các đồng chí đảng viên trong từng chi bộ. Những ý kiến nào chưa có sự nhất trí giữa người góp ý với người được góp ý thì chi ủy sẽ “làm trọng tài” để hai bên cùng nhau trao đổi, thảo luận trên tinh thần xây dựng thấu đáo, lý tình. Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp của quần chúng, Đảng ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên viết Bản thu hoạch trong đó có kế hoạch công tác của bản thân trên cương vị chức trách nhiệm vụ được giao. Vì vậy tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức ở xã được nâng lên rõ rệt, chấm dứt tình trạng xao nhãng công việc hoặc uống rượu bia trong giờ làm việc. Các công việc liên quan đến người dân đều được giải quyết nhanh gọn kịp thời, bảo đảm đúng pháp luật và quyền lợi chính đáng của công dân. Nhờ đó, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân ở Tân Phong được tăng cường. Mọi người đều được sống trong bầu không khí cởi mở, dân chủ theo hướng “Dân tin Đảng, Đảng lắng nghe dân” và đã huy động được mọi nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong đó nổi lên là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm đường giao thông nông thôn. Qua 4 năm triển khai Cuộc vận động, Hội Nông dân của xã đã huy động được gần 150 nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để tu bổ, nâng cấp và đổ bê-tông hơn 51km đường liên xóm bản; nạo vét tu bổ 28,7km mương bai các loại; xây 8 Nhà văn hóa ở 8 xóm, bản. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn được cải thiện có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế của các hộ dân. Nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích cây mía trên đất hai vụ lúa, bưa bãi cho thu nhập cao gấp nhiều nhiều lần so với trồng lúa, ngô. Gia đình các anh Bùi Văn Chất (xóm Trang Giữa 1), Vũ Văn Xuân (xóm Trang Trên 2), Bùi Văn Xướng (xóm Cạn Hạ)... đều trồng một sào (360m2) mía thu nhập gần 10 triệu đồng/vụ. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của người dân, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích trồng mía hàng hóa. Kết quả đã có gần 100ha/224ha đất hai lúa được chuyển sang trồng mía, nâng tổng diện tích cây mía của xã lên gần 380ha. Bình quân mỗi hộ dân ở Tân Phong có 0,5ha mía. Các ông Bùi Thanh Đềm (xóm Trang Giữa 2), Trần Doãn Hải (bản Đồng Trong) còn kết hợp trồng mía, cam với thả gà đồi cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đó, đời sống của người dân Tân Phong từng bước được cải thiện; kinh tế - xã hội chung của địa phương phát triển ổn định. Tân Phong đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 10%. Đến năm 2010, tăng trưởng kinh tế của xã ước đạt 13,5%; thu nhập bình quân của người dân khoảng 10 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hai lần so với năm 2006. Hơn 80% số hộ dân trong xã có nhà xây kiên cố, đủ đầy tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại bằng xe máy.
Tạm biệt Tân Phong trong rộn rã tiếng cồng, chiêng của ngày Lễ trọng và Xuân Tân Mão đang đến gần, tôi chợt có một liên tưởng khá thú vị “Tân Phong có nghĩa là Gió Mới”. Phải chăng đó chính là những luồng gió xuân đang thổi qua mảnh đất giầu truyền thống cách mạng của xứ Mường năm xưa để tiếp tục làm nên một Tân Phong giàu mạnh cùng cả nước vững bước đi lên trên con đường đổi mới của Đảng theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh” ./.