DetailController

Tin từ các đơn vị

Lũng Vân- Đổi thay vùng đất khó

23/12/2013 00:00
Đường lên Lũng Vân (Tân Lạc) đèo, núi quanh co. Nằm ở độ cao 1200m so với mặt nước biển, nơi đây quanh năm mây mù bao phủ nên còn có tên gọi Thung Mây. Lũng Vân được ví là cái nóc nhà của vùng đất Mường Bi - một trong 4 Mường lớn nhất của tỉnh Hòa Bình. Lũng Vân vốn được biết đến là thung lũng ẩn mình với hơn 80 là người dân tộc, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây, về mọi mặt cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Đó cũng là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bằng nội lực của con người nơi đất khó…
Chợ Lũng Vân họp phiên vào thứ 3 hàng tuần. Có nhiều mặt hàng phong phú, đặc biệt là nguồn rau củ, nông sản địa phương được người dân bày bán tại chợ.

 Vào mùa đông, cái lạnh càng như cắt da cắt thịt khi chúng tôi đặt chân đến mảnh đất này.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã với ấm trà nóng mời khách, anh Hà Văn Khuê, Phó Chủ tịch xã phấn khởi cho biết: Trước đây, người dân xã Lũng Vân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. 10 năm trở lại đây, nhờ được Nhà nước, chính quyền quan tâm giúp đỡ bà con đã bắt đầu biết tiếp cận và ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của xã là 544,2 ha, đạt 103,3% kế hoạch huyện giao. Trong đó diện tích cấy lúa là 171ha, năng xuất 38,25 tạ/ha (đạt 100,6%); diện tích ngô 280,2 ha, năng xuất 34,5 tạ/ha (đạt 105,7% kế hoạch). Ngoài ra, địa phương cũng dành phần lớn diện tích để trồng các loại cây: lạc, dong giềng, cây khoai môn và rau mầu các loại cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng được đẩy mạnh phát triển với tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được địa phương quan tâm kịp thời, không để sảy ra dịch bệnh. Ông Hà Văn Khuê cũng cho biết, nhiều năm qua, xã đã nhận được sự đầu tư của nhiều chương trình, dự án góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân. Cơ sở vật chất của xã từng bước được đầu tư, nâng cấp. Người dân không còn tình trạng đói giáp hạt như trước, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/năm. 

 

Phó Chủ tịch xã, Hà Văn Khuê nhớ lại, vào thời điểm những năm 2000, khi mới triển khai Chương trình 135 của Chính phủ, Lũng Vân gần như “trắng” điện, đường, trường, trạm. Vậy mà hôm nay đây, ngoài trường tiểu học, THCS, THPT đã được đầu tư nâng cấp và xây mới thì con đường chính từ huyện vào xã đã được mở, đặc biệt là hơn 1km tuyến đường tỉnh lộ 440 nối 5 xã vùng cao Tân Lạc đã được bê tông hoá nên ô tô có thể dễ dàng đến được với hầu hết các xóm, việc giao thương, buôn bán giữa xã với huyện và các vùng thấp được thuận tiện. Ngoài ra, bà con còn kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần làm cho nguồn thu nông sản tăng lên. Trước đây, những sản phẩm bà con làm ra như ngô, lúa, sắn, lợn, gà, trâu, bò... chỉ tiêu thụ trong địa bàn xã nên giá thành thấp. Đến nay, nhờ có đường giao thông thuận tiện cũng như ứng dụng tốt KHKT nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, bà con đã biết đem ra huyện, thành phố để tiêu thụ, bán được giá cao hơn. Ở Lũng Vân đã bắt đầu xuất hiện nhiều ngành nghề chăn nuôi, dịch vụ, buôn bán khác ngoài làm nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Với tinh thần chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới, ban chỉ đạo NTM của xã đã cùng các xóm chủ động huy động nhân dân tu sửa mương bai đảm bảo tưới tiêu, phục vụ sản xuất; tiếp nhận vốn chương trình để sửa hệ thống kênh mương, làm đường GTNT. Các hộ nghèo, hộ chính sách, đối tượng xã hội nhờ được sự đầu tư của nhà nước, các dự án đầu tư giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo vươn lên. Những năm gần đây, các lĩnh vực văn hóa xã hội ở địa phương tiếp tục được củng cố và có bước phát triển. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2013, Lũng Vân có 416 hộ đạt gia đình văn hóa, 9 làng văn hóa tiêu biểu, xã có 1.020 người thường xuyên  tham gia luyện tập TDTT, có 320 hộ gia đình thể thao; 3 CLB TDTT. Công tác giáo dục đào tạo từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng. Năm học 2012- 2013, tỷ lệ học sinh lên lớp ở Lũng Vân đạt 100%; công tác xét tốt nghiệp THCS, xét hoàn thành chương trình tiểu học đã được triển khai nghiêm túc chu đáo, đảm bảo đúng quy chế đề ra. Chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương được quan tâm đầy đủ, kịp thời về chế độ chính sách, an sinh xã hội cho những đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Trong năm đã có trên 170 hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Không chỉ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo vệ  và phát triển rừng được chính quyền, địa phương hết sức quan tâm nên không sảy ra tình trạng chặt phá rừng. Tromg năm 2013, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên tình hình an ninh trật tự ở địa phương tương đối ổn định. Nhận thức của người dân có sự chuyển biến tích cực, mô hình điểm “xóm tự quản về ANTT” tại địa bàn xóm Lở 2 được duy trì và phát huy tác dụng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội quốc phòng, an ninh ở địa phương…

 

Vui mừng, phấn khởi với những kết quả đã đạt được, song đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Vân vẫn không khỏi trăn trở về bài toán thoát nghèo ở địa phương. So với những năm trước đây, cuộc sống người dân Lũng Vân đã có nhiều cải thiện về mọi mặt. Song nếu so sánh với sự phát triển kinh tế chung thì đời sống của người dân Lũng Vân còn nghèo, kinh tế chậm phát triển so với các nơi khác. 45,5%. tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương rất cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Mong rằng trong thời gian tới, xã tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các dự án làm đường GTNT, xây dựng mô hình đầu tư phát kinh tế, giảm nghèo bền vững cho bà con nơi vùng đất khó.../.