BS Trần Văn Ninh, Phó Giám đốc bệnh viện nội tiết tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trong những năm qua, là do lối sống ít vận động, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, người bệnh chủ quan nên để tình trạng bệnh diễn biến nặng mới đến cơ sở y tế kiểm tra. Do đó thường để lại biến chứng nặng nề (tai biến mạch máu não, mắt mờ, suy thận, liệt dương, hoại tử chi, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong...).
Một trường hợp gây biến chứng: Bà Bùi Thị Điện 50 tuổi, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình là lao động chính trong gia đình, khi thấy chân tay tê bì, người mệt mỏi, sút cân nhanh bà Điện nghĩ mình lao động quá sức chỉ cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe. Mãi đến khi thấy mắt mờ, đi khám bà mới biết mình bị đái tháo đường.
Các triệu chứng lâm sàng điển hình của đái tháo đường là ăn, uống nhiều, sút cân nhanh, mệt mỏi, giảm thị lực, cảm giác kiến bò ở đầu chi… Các biểu hiện của bệnh tiểu đường thường diễn ra chậm, không xuất hiện cùng lúc nên người bệnh khó phát hiện. Do đó khi có bất kì dấu hiệu nào, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế kiểm tra để tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng, gây nhiều tốn kém về kinh tế và tổn hại đến sức khỏe, nhất là những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống đái tháo đường, hạn chế tỷ lệ biến chứng ngay từ đầu năm Bệnh viện nội tiết tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng cho 3.000 lượt người, tổ chức 3 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề. Dự phòng cấp II cho bệnh nhân đái tháo đường tại 3 điểm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Kết quả 6 tháng đầu năm bệnh viện đã khám sàng lọc được trên 1.000 trường hợp, trong đó số mắc đái tháo đường là 67 người, tiền đái tháo đường 185 người, số tét sàng lọc 1.208 người.
Bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối, hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhanh, ăn nhiều rau xanh... Bên cạnh đó, cần hoạt động thể lực thường xuyên, giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Với xu thế xã hội ngày càng phát triển, bệnh đái tháo đường không những gia tăng mà ngày càng trẻ hóa. Bệnh xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Vì vậy để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, hạn chế xảy ra biến chứng, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức và hiểu biết rõ về bệnh. Tăng cường công tác khám sàng lọc tại cộng đồng. đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao: người trên 45 tuổi có bệnh tăng huyết áp; người trong thời gian mang thai bị đái tháo đường; phụ nữ có tiền sử sinh con trên 4kg; trong gia đình có bố mẹ, anh em ruột bị đái tháo đường... cần đi khám định kì để phát hiện bệnh sớm./.