DetailController

Giáo dục

Lời giải cho bài toán thừa "thầy" thiếu "thợ"

30/05/2011 00:00

Năm 2010, tỉnh ta tạo việc làm mới cho khoảng 16.500 lao động. Với thực trạng nền kinh tế của tỉnh ta hiện nay thì đây đã là con số đáng để lưu tâm. Tuy nhiên những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm công tác tuyển dụng đã phải nhắc nhiều đến cụm từ "thừa thầy, thiếu thợ". Để khắc phục tình trạng này cách trực diện và hiệu quả chính là công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, vấn đề mà phần nửa số trường THPT trên địa bàn tỉnh còn bỏ ngỏ.

Nhờ xá định hướng đi đúng, anh Nguyễn Văn Tại, thông Đất Đỏ xã Liên Sơn ( Lương Sơn) đã vươn lên từ đôi bàn tay trắng trở thành ông chủ doanh nghiệp ở tuổi 30.

 

Mỗi học sinh đều cần tư vấn hướng nghiệp.
           
Đó là lời khẳng định mang nặng tâm tư và trách nhiệm của ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều năm nay, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn công tác giáo dục hướng nghiệp cho giáo viên phổ thông, đồng thời trực tiếp cử cán bộ đến với các trường phổ thông để làm công tác tư vấn hướng nghiệp theo yêu cầu. Trong năm qua, cán bộ, giáo viên của trường đã đến làm công tác tư vấn nghề nghiệp ở các trường : THPT Lạc Sơn, THPT Tân Lạc, THPT 19/5 Kim Bôi, THPT Ngô Quyền, THPT Lạc Long Quân (TPHB) và trường PTDTNT tỉnh...
 
Trong mỗi chuyến đi làm công tác tư vấn hướng nghiệp đó, hành trang của các thầy, cô giáo là sự hiểu biết nhất định về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, nhu cầu tuyển sinh các ngành nghề của các trường đại học, cao đẳng, THCN và điều không thể thiếu là kỹ năng nghiệp vụ làm sao để các em học sinh nghe, hiểu và có định hướng đúng khi chọn hướng đi phù hợp. Điểm mới trong công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay là giáo viên đưa ra hướng dẫn để học sinh tự tets cho mình trên cơ sở: khả năng của học sinh (phông kiến thức và sở thích), khả năng của gia đình và dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Khi đã có kết quả cụ thể, giáo viên mới sử dụng kiến thức, kỹ năng để tư vấn cho học sinh.
 
Tuy chỉ là một phần việc nhỏ của trung tâm, nhưng mỗi khi hoàn thành công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở một trường phổ thông, không kể nông thôn hay thành thị, các thầy cô giáo đều rất vui với cảm giác nhẹ nhõm. Có nhiều bậc phụ huynh khi theo dõi quá trình tác nghiệp của các thầy cô giáo trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đã thốt lên rằng: Nếu như anh, chị của cháu trước khi tốt nghiệp trường phổ thông cũng được tư vấn đầy đủ như vậy có thể hôm nay các cháu đã lựa chọn được cho mình một công việc tốt, phù hợp với bản thân và gia đình.
 
 ...Nhưng chưa được quan tâm đúng mực
 
Trước ngưỡng cửa bước vào đời không phải bất cứ học sinh nào cũng có đủ ý chí, quyết tâm và nền tảng để tìm ra cho mình hướng đi đúng - cụ thể hơn là việc chọn cho mình một nghề để kiếm sống, để thành công. Trong trường hợp đó cần có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các thầy, cô giáo. Trên thực tế, hiện nay, trong số 38 trường THPT trong toàn tỉnh (chưa kể các TTGDTX), mới chỉ có phần nửa số trường quan tâm đến công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (theo nhận định của ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm KTTH - HN tỉnh). Không được tư vấn đúng, kịp thời nên mỗi khi bước vào mùa thi, học sinh lại phải dành nhiều thời gian cho chọn trường thi. Không xác định rõ khả năng của mình, cộng với tâm lý phải học qua trường đại học mới có thể có tương lai vững chắc để thành công... nên hầu hết các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều nộp hồ sơ thi vào các trường đại học. Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã mở rộng cửa để tuyển sinh nhưng tỷ lệ học sinh tỉnh ta thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm vẫn còn ở mức khiêm tốn. Mùa tuyển sinh năm 2010, tỉnh ta có 10.854 lượt thí sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Kết quả, 3.460 thí sinh thi đỗ vào các trường, chiếm tỷ lệ 33,54%. Con số này đã lớn lần dần theo từng năm, tuy nhiên, hiện tại nảy sinh một thực tế, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học về tỉnh không thể tìm được việc làm. Trong khi nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các khu công nghiệp đang cần tuyển dụng những lao động có tay nghề thì nguồn cung lại hẫng hụt.
 
Một minh chứng cụ thể, vào đầu tháng 4 vừa qua, Tỉnh Đoàn Thanh niên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức phiên giao dịch việc làm với tiêu đề “Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp và việc làm”. Trong phiên giao dịch này có 50 doanh nghiệp tham gia đăng ký tuyển dụng, trong đó có 20 doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp và giới thiệu 2.500 cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho người lao động. Trong số 1.300 thanh niên tham gia ngày hội, có 300 thanh niên đăng ký dự tuyển vào các vị trí công việc phù hợp. Nhưng kết thúc phiên giao dịch chỉ có 85 thanh niên được tuyển dụng và 93 người được hứa hẹn tuyển dụng.
 
Trong khi nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn không tuyển được lao động, ở khu vực nông thôn, nhất là các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong… còn phổ biến tình trạng lao động phổ thông đi làm thuê cho nông dân tỉnh bạn với mức thu nhập thấp và bấp bênh theo mùa vụ.
 
Từ thực tế trên cho thấy, tìm lời giải cho bài toán thừa “thầy”, thiếu “thợ”, trước hết cần chú trọng tới phân luồng khối học cho học sinh từ khi bước vào bậc học THCS. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hoạt động tư vấn hướng nghiệp để giúp học sinh có những định hướng đúng khi chọn cho mình một nghề để tạo lập cuộc sống. Theo khảo sát mới đây của Sở LĐ-TB&XH, khả năng của 24 cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh có thể đáp ứng đào tạo cho khoảng 16.000 lao động/năm. Tỉnh cũng đã có Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành cần tham gia vào cuộc để tư vấn, tuyên truyền, vận động người lao động, đặc biệt là đối tượng thanh niên tham gia học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Với sự nỗ lực chung của các cấp, ngành và của toàn xã hội, hy vọng rằng tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ” sẽ sớm được khắc phục và ngày càng có thêm nhiều cơ hội việc làm góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.