Những ngày đầu tháng 12, anh Bùi Văn Tinh, Trưởng ban văn hóa xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) tất bật đi dựng kịch mục cho đội văn nghệ xã chuẩn bị tham dự Liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc Mường khu bảo tồn thiên nhiên Ngổ Luông- Ngọc Sơn lần 2 năm 2010. Cả đội văn nghệ hào hứng vào cuộc. Người lo sưu tầm bài cồng chiêng cổ, người chuẩn bị câu hỏi ứng xử cho phần thi trang phục dân tộc Mường. Toàn đội say sưa luyện tập với tư cách là đơn vị chủ nhà…
Ngọc Sơn, xã vùng cao đang có bước chuyển đáng kể về phát triển KT-XH. Trong nỗ lực hết mình để giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng theo đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xã đã gây dựng và đi lên trên nền tảng dân gian đậm chất văn hóa Mường. Cùng với giữ gìn và tôn tạo nhà sàn Mường, khôi phục nghề dệt thổ cẩm(cạp váy, vỏ chăn, khăn…), sưu tầm mo Mường, xã Ngọc Sơn đã quan tâm hơn tới phát huy hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Xã đã triển khai sâu rộng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tới cơ sở. Cùng với thành lập 8/8 đội văn nghệ ở xóm, 3/3 trường học và đội văn nghệ xung kích của xã(17 diễn viên), huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong hoạt động, xã đã quan tâm đưa nghệ thuật dân gian đến cộng đồng. Ngay từ kịch mục, chương trình, toàn đội đã đưa các tiết mục như: cồng chiêng, hát đúm (hát đối), hát rằng thường là chủ đạo. Để có được các tiết mục đặc sắc, các diễn viên trẻ đã đi sưu tầm, học hỏi các nghệ nhân dân gian như: ông Bùi Văn Coi, các bài cồng của các nghệ nhân nữ ở các xóm như xóm Cha, Khú, Bói; tự làm các nhạc cụ dân tộc như: nhị, sáo trúc… Anh Bùi Văn Tinh cho biết: Mặc dù là “bình cũ, nhưng đội luôn đưa nội dung có tính thời sự vào các tiết mục, phù hợp với từng thời điểm giao lưu, biểu diễn văn nghệ như mừng Đảng-mừng xuân vào dịp Tết Nguyên đán, ngày 26/3, 8/3 hay sinh nhật Bác Hồ (19/5). Những lời ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; tuyên truyền pháp luật, phòng- chống tệ nạn xã hội, bảo vệ rừng được toàn đội đưa đến các xóm trong liên hoan tại xóm, hay đến các trường học, xã bạn trong các cuộc giao lưu ở Ngổ Luông (Tân Lạc), Chí Đạo, Ngọc Lâu… Nhiều tiết mục của đội tạo được dấu ấn trong lòng khán giả như bài cồng chiêng xắc bùa cùng bài diễn giải bằng tiếng Mường của diễn viên già Bùi Văn Coi (72 tuổi); hát rằng thường của Bùi Văn Khon, hát bọ mẹng của Bùi Thị Kinh, hát đối Mường của cặp song ca Bùi Thị Khuyên- Bùi Văn Năm. Các diễn viên trẻ như Bùi Thị Nguyệt, Bùi Thị Quế học hỏi, tìm tòi về hoạ tiết, trang phục, văn hoá Mường để có thể trở thành các tuyên truyền viên giới thiệu nét đẹp của trang phục người phụ nữ Mường …Chính những gương mặt nổi bật này đã, đang là hạt nhân tích cực để đem những điều hay, nét đẹp của văn hóa Mường truyền thống truyền thụ cho các thế hệ đàn em, đàn cháu trên địa bàn…
Tuy các tiết mục chưa điêu luyện, diễn viên “cây nhà, lá vườn”, nhưng đội luôn tự tin “hạ sơn” đến với các cuộc thi hay liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện Lạc Sơn. Chính sự mộc mạc, giản dị trong từng tiết mục đã tạo nên nét riêng cho phong trào văn nghệ quần chúng xã vùng cao. Tại liên hoan tiếng hát Mường năm 2009 đội văn nghệ xã Ngọc Sơn được đánh giá là nổi trội nhất trong 7 xã trong vùng (xếp hạng A toàn đoàn). Dư âm của phong trào văn nghệ quần chúng xã Ngọc Sơn đã tạo tiếng vang tốt lành nơi miền cao Lạc Sơn.