DetailController

Khoa học - Môi trường

Loài "hoa chết"nơi đồi Thung

27/08/2012 00:00
Vượt quãng đường hơn 100km từ Hà Nội chúng tôi mới đến được chân núi, nơi dẫn lên đỉnh đồi Thung xã quý hòa huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi hoang sơ nhất của người Mường.
Cây Anh Túc

 Trước khi hỏi đường lên đồi Thung, một số người dân đã "nắn gân": "Đường lên khó đi lắm, ngay cả những người quen thuộc cũng thấy sợ. Các anh cẩn thận kẻo gặp mưa rừng là chịu không về được đâu".

Ám ảnh đồi hoa chết

Đã thấm mệt, nhưng ngước mắt lên nhìn đỉnh đồi Thung vẫn còn xa tít tắp. Thung lũng Đồi Thung, xã Quý Hòa, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, lặng lẽ nằm ẩn mình trong cánh rừng rậm rạp. Mùa này, người dân nơi đây lũ lượt kéo nhau ra thành phố, trai tráng làm phụ hồ, nữ nhi rửa bát thuê.

Không khí nơi đây quanh năm  mát lạnh. Ấy thế mà cây sắn, củ khoai lại không lớn được. Ngay cả đến cây lúa cũng èo uột vì luôn thiếu nước. Vậy mà cây thuốc phiện lại dễ bắt nhịp với chất đất ở đồi Thung. Thứ cây mang theo sự chết chóc cứ xanh mơn mởn, khiêu khích.

Đầu thu đỉnh đồi Thung xanh thẫm màu rừng. Gió hun hút đuổi nhau thành những vệt dài dưới thung lũng. Những mái nhà sàn nhỏ li ti nằm lẩn khuất dưới những tán keo già hàng trăm năm tuổi. Ðứng trên đồi Thung, cứ lơ lửng,  bồng bềnh trong mây như đang ở nơi giao hòa giữa trời và đất.  Xen lẫn màu sim tím giữa trời thu trong xanh, thấp thoáng đâu đó là màu tím của những bông hoa chết chóc "loài hoa Anh túc". 

Đã lâu lắm rồi, những cơn đau vật vã vì khói thuốc tưởng chừng như khỏa lấp vào trong quên lãng. Người dân đồi Thung chắc hẳn chưa thể quên được nơi đây đã từng trải qua thời kỳ kiệt quệ vì khói thuốc. Những sườn đồi bạt ngàn Anh túc ngày nào vẫn là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai/

Cây độc lan nhanh hơn cả cỏ dại. 

Những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, giữa cánh rừng già là vương quốc của thuốc phiện. Thói quen trồng, sử dụng rồi tiêu thụ đã ngấm vào thân thể của những người khai phá đất đồi Thung. Nhớ lại giai đoạn ấy ông Bạch Công Nghiu, Trưởng thôn Thung 1 bảo: "Ngoài cây thuốc phiện thì không trồng được cây gì cả. Ngày đó, dân còn thưa thớt lắm. Có khi lúc ấy nhắc đến đồi Thung cũng không ai biết nó ở đâu". Đàn ông, đàn bà, thậm chí tất thảy đàn ông tuổi trung niên, hiếm ai khi đó không bị ràng buộc bởi khói thuốc phiện”.

Bởi thế mà sau cuộc vận động quyết tâm bài trừ cây thuốc phiện, những đệ tử “nàng tiên nâu” ở thung lũng này nhảy chồm lên cãi rằng: "Nó đem lại cái sức, thông tường trí não sao lại bỏ được. Bỏ cây thuốc là giết chết cả bản mất thôi ". Vậy mà sau đó, cái thung lũng đang chìm trong sự tối tăm của màu khói trắng bỗng bừng sáng. Người người, nhà nhà nô nức hưởng ứng. Nói vậy nhưng cũng phải mất vài năm vận động mới thay đổi được tập quán trồng cây thuốc phiện của người dân ở bản nghèo này.

Tưởng chừng đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với màu hoa, màu lá và cả màu khói trắng, nào ngờ hơn một thập niên đi qua bóng cây thuốc phiện lại chập chờn nhoi lên từ lòng đất. Đã có những gia đình hồn nhiên gieo lại mầm chết chóc ấy xuống ngay trước cửa nhà sàn. Những đứa trẻ biết đó là cây thuốc phiện nhưng chúng lại không biết thời cha ông khai lập ra đất đồi Thung này từng lao đao bởi khói thuốc.

Từ những khoảnh đất nhỏ bằng cái sàng giờ có gia đình "sở hữu" cả một mảnh vườn Anh túc. Hoa mới bung nở tím ngắt, nụ vươn cao như những ngọn chông tẩm độc. "Trồng Anh túc để chữa bệnh thôi. Không ai cạo lấy mủ làm thuốc hút cả. Đau bụng mà xuống tới xã thì chết mất rồi. Nhưng hái cái lá nhai là khỏi ngay à. Đau cái chân, cái tay nó trị được hết"- Bùi Văn Môn một người dân khoe về "công hiệu" của loại cây độc này với vẻ mặt  rạng rỡ.
Phải công nhận cái loại cây độc như cây Anh Túc cũng có những tác dụng rất tích cực. Nhưng so với mức độ nó có thể đầu độc cả cái bản nghèo này bất kỳ khi nào thì cái "tích cực" đó có vẻ như quá nhỏ nhoi.