Ngày 16/8, Liên hợp quốc đã công bố Chương trình "Thập kỷ chống sa mạc hóa" nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động để đối phó với tình trạng sa mạc hóa đang đe dọa việc làm và cuộc sống của hơn một tỷ người ở 100 nước trên thế giới.
Phát biểu tại lễ phát động chương trình ở thành phố Fortaleza, Brazil, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định cam kết tăng cường nỗ lực chăm sóc và bảo vệ đất để thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và bảo đảm hạnh phúc của con người.
Mục tiêu của sáng kiến này, kéo dài từ năm 2010-2020, là nhằm "đảo ngược và ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, làm nhẹ tác động của hạn hán tại các khu vực bị ảnh hưởng để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và phát triển môi trường bền vững."
Theo số liệu của Liên hợp quốc, các vùng đất khô cằn và sa mạc hiện là nơi cư trú của 1/3 dân số trên Trái Đất, tức 2,1 tỷ người mà có tới 90% trong số này sống ở các nước đang phát triển. Hiện có khoảng một tỷ người đang phải chật vật để tìm cái ăn tại những vùng núi đá. Trong khi đó, mỗi năm thế giới lại có một diện tích lớn tương đương Hy Lạp hay Nepal bị sa mạc hóa hoặc thoái hóa.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết tình trạng thoái hóa đất làm tăng các khoản chi phí xã hội, cạnh tranh các nguồn tăng dẫn đến xung đột và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cũng cho rằng mặc dù có nhiều thách thức lớn, song không phải không khắc phục được. Trên thế giới, nỗ lực ở các vùng đất tái định cư đang mang lại kết quả. Tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng khu vực có thể giúp chính quyền và người dân bảo vệ hoặc khôi phục hàng triệu hécta đất, giảm nguy cơ sa mạc hóa trước tình trạng biến đổi khí hậu và giảm nghèo đói.
Đại Hội đồng Liên hợp quốc giao cho Hội nghị Chống Sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) phối hợp với bốn cơ quan khác gồm Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Quốc tế Phát triển Nông Nghiệp của Liên hợp quốc (IFAD) và Ban Thông tin Đại chúng của Liên hợp quốc (DPI) đẩy mạnh các hoạt động liên quan Thập kỷ bảo vệ và chống sa mạc hóa./.