
Năm 2008, cây cam bắt đầu trồng trên đất Bình Thanh thì đến thời điểm hiện tại, diện tích cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam đã đạt gần 40 ha, trong đó khoảng 25 ha cam trong chu kỳ khai thác, 10 ha đang trong thời kỳ kiến thiết. Điển hình trong những người trồng cam ở xã Bình Thanh ngoài ông Bùi Tiến Băn còn có anh Dương Như Mừng với diện tích cam, bưởi đã trồng trên 11 ha. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ trồng cây ăn quả có múi, thành lập được 1 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cam Nhật Minh với 16 hộ thành viên.
Giờ đây, không ai còn nghi ngờ sự phù hợp và thích ứng của các giống cây ăn quả có múi trên vùng đất mới này. Theo những hộ trồng cam, quýt tại địa phương, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, ít chịu sương muối và đặc biệt là qua lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đi phân tích kiểm nghiệm cho kết quả đảm bảo điều kiện để tưới, trồng. Đây là cơ sở để các hộ tiếp tục mở rộng vùng cam mới chất lượng. Các nhà vườn tính toán năng suất, sản lượng cam, quýt ở vụ này đạt 50 -60 tấn/ha. Nhờ chú trọng phát triển vùng cam an toàn áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nên cam, quýt thương phẩm của các hộ được khách hàng tin dùng và đánh giá cao trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Giá bán tại vườn hiện giữ ở mức 22.000 đồng/kg cam lòng vàng, hướng đến tiêu thụ tại hệ thống các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch.
Sản phẩm cam, quýt, bưởi từ vùng cam mới này hiện đã có mặt nhiều nơi, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường. Giá cả ổn định, chất lượng cam VietGAP của xã Bình Thanh được giữ vững. Ngày càng có nhiều nhà vườn đầu tư trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn an toàn. Trong đó có nhà vườn Bùi Tiến Băn ở xóm Mỗ 2 là 1 trong những hộ được bình chọn có vườn cam đẹp nhất tại các mùa Lễ hội cam của huyện Cao Phong.
|