Ngày 28/9 hằng năm được Liên minh Phòng, chống bệnh dại lựa chọn là “Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại”. Lễ hưởng ứng “Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại” năm 2014 được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, với chủ đề “Cùng chung tay đẩy lùi bệnh dại”. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra ở động vật và lây truyền qua người chủ yếu là vết cắn. Từ năm 2004 đến nay, tình hình bệnh dại tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đang có xu hướng phức tạp, tăng lên về số người chết. Năm 2013, ghi nhận 105 trường hợp tử vong. Ước tính chi phí về vắc xin và huyết thanh kháng dại cho việc điều trị dự phòng sau khi bị chó ghi dại cắn là hơn 300 tỷ đồng/năm. Riêng đối với tỉnh Hòa Bình, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ghi nhận từ 02 – 03 trường hợp tử vong do bệnh dại, riêng năm 2013 tăng đột biến (08 ca); 8 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 1.575 người đi tiêm phòng dại và có 04 trường hợp tử vong do bệnh dại (đứng thứ 4 cả nước).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương phối hợp với ngành Y tế, NN&PTNT trong công tác phòng, chống bệnh dại. Để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh dại phát sinh lây lan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị trong tỉnh: tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống bệnh dại; nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; thực hiện chương trình kiểm soát đàn chó, mèo, thường xuyên tiêm phòng dại; tăng cường công tác giám sát bệnh dại; điều trị sau khi bị chó nghi dại cắn đúng và kịp thời.
Tại lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Ước tính hằng năm trên thế giới có khoảng từ 55.000 – 60.000 người bị chết do bệnh dại và theo tính toán của WHO, nếu không được điều trị dự phòng, con số tử vong có thể lên tới trên 300 nghìn người mỗi năm. Khi người mắc bệnh dại thì gần như 100% tử vong. Đồng chí đề nghị: Trong thời gian tới cần từng bước khống chế bệnh dại ở các tỉnh trọng điểm; đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và kêu gọi sự hợp tác, phối hợp liên ngành cùng nhau đẩy lùi bệnh dại.
Cũng tại lễ mít tinh, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và các Bộ, ngành Trung ương đã ký cam kết hành động “Vì một Việt Nam không có bệnh dại”. Ngay sau buổi lễ, đã diễn ra hoạt động diễu hành tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trên các tuyến đường của Thành phố Hòa Bình./.