DetailController

Văn hóa

Lễ hội ở Hoà Bình - Mang hồn của cộng đồng dân tộc

18/06/2010 00:00

Do hoàn cảnh địa lý và lịch sử, người dân Hoà Bình cũng có những nét riêng trong sinh hoạt văn hoá lễ hội. Điều đó nói lên bản sắc riêng của vùng đất này, đồng thời phản ánh điều kiện sống của các cư dân nơi đây.

Ảnh minh họa

 

Hoà Bình không có những lễ hội quy mô, đồ sộ với sự tham gia của nhiều ngàn người cùng những trang phục, lễ vật, đa tế khí, những quy định bài bản như các lễ hội của người Kinh dưới xuôi; không có những lễ hội tầm cỡ như lễ hội Katê của người Chăm, Oóc Om Boóc của người Khơme Nam Bộ. Họ cũng không có những hội chơi núi mùa xuân hay chợ tình lãng mạn, tha thiết của người Mông ở vùng Tây Bắc,... Tuy vậy, cộng đồng các dân tộc Hoà Bình, đặc biệt là người Mường, cũng có lễ hội riêng: không lớn, không nổi tiếng, nhưng lại mang cái hồn của cộng đồng dân tộc sinh sống trên các thung lũng vùng núi Hoà Bình.
 
Mang đậm các tín ngưỡng dân gian
 
Trong đời sống văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình, những sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh vẫn còn rất phổ biến trong cộng đồng và giữ được nguyên những nét hồn nhiên mộc mạc. Ví như mâm cỗ cúng ở lễ hội Khuống mùa của người Mường: "Mâm cỗ ngoài thịt nai, thịt lợn rừng, còn cá suối, mụn măng, ruột cây lay (đằng lau), lá lốt (đắc lốt), cá mọc, nếp đa, rượu cần...". Tất cả đều là những thứ mà hàng ngày người ta phải kiếm để ăn. Dù ở các vùng khác nhau, dù là người Mường hay người Thái, người Mông hay người Dao, song về cơ bản vẫn là những thứ đó. Chúng được săn bắn từ rừng về, bắt từ suối lên, lấy từ ruộng và xung quanh khu vực sống của các dân tộc thiểu số. Nó vừa có tính chất tươi nguyên của thiên nhiên vừa chứa đựng sự tinh khiết của tấm lòng người vùng sơn cước dâng lên thần thánh của họ.
 
Còn các vị thần ở đây, họ là ai? Họ là những hiện tượng thiên nhiên như: mưa, gió, nắng,... là những dòng suối, ngọn núi, hòn đá, cây rừng, là những con vật hay bất kể cái gì có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của những người dân chất phác này. Đây hoàn toàn không phải là sự mê tín dị đoan mà ở một góc độ nào đó, nó thể hiện sự sống hoà mình cùng thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Họ coi mình là một bộ phận của thiên nhiên, chứ hoàn toàn không áp đặt, chinh phục, phá hoại thiên nhiên một cách vô ý thức.
 
Điều đó cũng có nghĩa, hệ thống tín ngưỡng của các dân tộc ở Hoà Bình rất phong phú, từ đó dẫn đến sự phong phú của các nghi lễ thờ phụng các tín ngưỡng đó. Đó là những lễ cầu mùa, cầu mưa, lễ cơm mới, lễ xên bản, xên mường, thờ đức thánh Tản, thờ ma núi, ma nước, thần lúa, thần cây,... Mỗi nghi lễ ấy lại kèm theo những hình thức sinh hoạt văn hoá như: đánh chiêng cồng, mo, đánh trống, thổi kèn, múa kiếm,... Những hình thức nghệ thuật này từ chỗ để truyền đạt lên thần linh niềm mơ ước, khát vọng, sự biết ơn của con người, đã trở thành những hoạt động nghệ thuật để đáp ứng chính đời sống trần tục hàng ngày của người dân.
 
Biểu hiện của sự giao lưu văn hoá
 
Hai dân tộc Kinh, Mường vốn có cùng một nguồn gốc nên sự giao lưu văn hoá Kinh - Mường được thể hiện rõ nét qua các lễ hội là điều dễ hiểu. Một vị thần rất nổi tiếng trong tín ngưỡng của người Mường là đức Thánh Tản Ba Vì, được thờ ở hầu khắp các nơi trên đất Mường, đồng thời cũng là một trong "tứ bất tử" đối với người Kinh. Vị thần núi Ba Vì là một vị thần tối linh của cả người Mường và người Kinh, ăn sâu vào tâm thức tín ngưỡng của cả hai dân tộc này. Khi người Mường thờ tam vị thánh Tản, thì ở người Việt các nơi thờ ghi rõ là Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh.
Tiếp đó phải kể đến tục thờ thành hoàng làng của người Mường cũng tương tự như thành hoàng làng của người Kinh với cùng ý nghĩa nhớ ơn những người đã có công giúp ích cho sự bình yên của bản mường. Những vị thần này, giống như người Việt, có thể là nhân thần, có thể là nhiên thần,... có thể họ có công với bản làng hay chết vào những thời khắc ảnh hưởng đến cuộc sống của dân địa phương. Ví như trường hợp thành hoàng Đô Khúc Đại Vương ở lễ hội đình Xàm, Phúc Lai, Yên Thuỷ là người có công đánh giặc được vua ban tước bổng lộc, gả công chúa cho. Hay trường hợp nàng ả Đắng (thần đánh dơi) ở hội Đu tre (Mường Tre, Văn Nghĩa, Lạc Sơn) lại là cô gái nhà lang đi vào hang Đắng bắt dơi, chẳng may bị kẹt trong hốc đá rồi chết. Dân Mường đồn rằng nàng thiêng lắm nên lập miếu thờ để cầu nàng phù hộ cho dân Mường.
 
Khá nhiều những thi thức, phong tục trong lễ hội Mường có những điểm chung với các lễ hội của người Việt dưới xuôi. Lễ hội đền Bờ là một ví dụ tiêu biểu. Sự giao lưu Kinh - Mường thể hiện ngay ở nguồn gốc xuất hiện của lễ hội. Đó là câu chuyện liên quan đến cuộc dẹp loạn của Lê Lợi ở Mường Lễ (Sơn La). Thời gian nhà vua và quân lính dừng lại ở đây có ba mẹ con người Dao ở xã Vầy Nưa và một bà mẹ người Mường ở xã Hào Tráng đã giúp vua Lê lương thực, phương tiện đi đánh giặc. Vì thế, khi thắng lợi nhà vua đã truy phong công trạng và cho lập đền thờ hai bà ở đây. Cùng với đền thờ là tấm bia ghi rõ ý chí của Lê Lợi: "Ta chẳng sợ gì hiểm trở và sơn lam chướng khí. Như thế là vì lo nghĩ đến sinh linh trong thiên hạ và vì việc thờ hai vị có công của người Dao, người Mường của tình đoàn kết của các dân tộc sống trên mảnh đất này".

Ngoài sự giao lưu giữa hai dân tộc Kinh - Mường, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn có rất nhiều những sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật khác có sự giao lưu giữa người Thái, Mường, Dao. Tuy rằng mỗi cộng đồng có cuộc sống riêng, song do sự giao tiếp (tuy không mạnh mẽ như các vùng khác) nên đã ảnh hưởng đến nhau trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ những nghi lễ, những món ăn với cách thức chế biến đa dạng, phong phú, những sinh hoạt văn nghệ,... mỗi dân tộc giữ riêng bản sắc của mình, nhưng cũng không bỏ qua những cái hay cái đẹp của các dân tộc bạn, từ đó tạo nên bức tranh lễ hội dân gian riêng của Hoà Bình, có sự thống nhất trong đa dạng, và biểu hiện sự gắn bó đoàn kết keo sơn của các dân tộc Việt Nam.