Trên độ cao gần 1000m so với mặt nước biển, Mường Chậm (thuộc xã Lũng Vân huyện Tân Lạc) hiện ra với những bản làng hiền hòa nằm ngay dưới chân đồi chân núi. Đến Mường Chậm vào thời điểm này ta sẽ bắt gặp sắc vàng của những cánh đồng lúa, sự rộn rã của bà con trong khắp bản làng trong kỳ thu hoạch và đây cũng là lúc lễ cơm mới lại được diễn ra.
Là một nghi lễ nhỏ và chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình nhưng lễ cơm mới là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của bà con Mường Chậm. Đã trở thành thông lệ, bữa cơm đầu tiên của gia đình được nấu bằng những bông lúa mùa được gặt từ ngoài đồng mang về thì bữa cơm đó người Mường Chậm tổ chức làm lễ cơm mới. Không giống như lễ cơm mới ở mường Bi hay mường Piệng với nhiều thủ tục, lễ cơm mới ở mườmg Chậm được tổ chức đơn giản hơn nhưng có điều đặc biệt là bữa cơm mới đó phải do chính con trai trưởng trong gia đình tự tay nấu nướng.
Không giống như các dân tộc khác, con trai Mường thường rất khéo tay trong việc bếp núc, để chuẩn bị cho lễ cơm mới thì việc đầu tiên đó là đồ xôi, những hạt gạo nếp mới trắng thơm được bỏ vào chõ rồi bắc lên “biếng” đồ. Trong lễ cơm mới ở Mường Chậm đồ thờ cúng chỉ có cơm nếp, cháo và rượu chai mà không thờ thịt, cá như các mường khác, đây là một nét đặc trưng độc đáo mà chỉ ở lễ cơm mới ở mường Chậm mới có. Việc thờ cháo thì cũng tùy từng dòng họ, có họ thờ cháo cá, có họ thờ cháo chim, cháo gà. Theo người già ở đây cho biết, việc thờ cháo trong lễ cơm mới ở mường Chậm xuất phát từ câu truyện kể rằng: thuở xưa vùng đất mường Chậm nghèo khó, người dân không lúc nào có đủ cơm ăn, họ chỉ lo được bữa cháo cho qua ngày. Rồi một ngày kia giặc từ đâu kéo đến mường tàn phá, người mường Chậm đã đoàn kết, dù chỉ có hai bữa cháo trắng trong ngày nhưng họ vẫn đủ sức đánh đưổi được giặc ra khỏi vùng đất mường Chậm, kể từ đó, để không quên truyền thống đoàn kết thương yêu nhau của người dân mường Chậm và cũng để khắc sâu công lao của tổ tiên đã nhọc công gây dựng đất mường từ những ngày khốn khó, cứ mỗi độ lúa chín, mùa về, người mường Chậm lại nấu cháo lên để thờ tổ tiên trong lễ cơm mới của gia đình.
Đối tượng được thờ trong lễ cơm mới mường Chậm là tổ tiên trong gia đình và những vị thần cai quả mùa màng. Trên bàn thờ được đặt hai mâm, mâm phía bên phải để dành cho thần cai quản mùa màng, mâm bên trái là thờ tổ tiên trong nhà, còn một mâm đặt dưới sàn nhà là mâm thờ tổ tiên bên ngoại của gia chủ.
Trong lễ cơm mới việc khấn mời tổ tiên về dự lễ không nhất thiết ông mo phải làm, trong gia đình nếu có người biết khấn thì họ đứng ra khấn lấy. Lời khấn trong lễ có nội dung nhờ các mong các vị thần và tổ tiên phù hộ chi gia đình, sang mùa tới phải được mùa hơn, cây lúa không bị sâu phá, hà cắn không bị chuột xé đòng, không bị ong hút nhụy, trong nhà mọi người khỏe mạnh không ai ốm ai đau, không ai ra đường gặp chuyện xấu chuyện rủi....
Sau khi đã khấn dâng đủ 10 tuần cơm rượu thì nghi lễ thờ cơm mới kết thúc, lúc này trong gia đình chỉ còn đợi những thành viên khác đi giặt lúa về họ sẽ bày mâm cơm ra ăn với nhau bữa cơm mới. Tuy là nghi lễ đơn giản và chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình nhưng lễ cơm mới là một nghi lễ quan trọng bày tỏ sự hiếu thảo với tổ tiên, thể hiện sự “uống nước nhớ nguồn” của con cháu vùng đất mường Chậm.