DetailController

Văn hóa

Lễ Cơm Đe – Nét văn hóa của người Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy

07/12/2023 11:13
Lễ Cơm Đe dân tộc Mường ở xóm Rậm, xóm Trác, xã Lạc Thịnh hay còn gọi là lễ Tết Cơm Đe, là nghi lễ đã có từ rất lâu đời và là nghi lễ dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường thu hút được đông đảo cộng đồng làng xóm cũng như khách đến thăm ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thuỷ. Lễ Cơm Đe gắn liền với nền sản xuất canh tác nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian đậm nét; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở hai xóm Trác và xóm Rậm của xã Lạc Thịnh.
Bà con Nhân dân xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy đồ cơm để ủ làm rượu Đe

Ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thuỷ, lễ Cơm Đe được tổ chức vào các ngày 26/10 âm lịch hàng năm và cũng tuỳ thuộc vào từng gia đình để thực hiện nghi trình, nghi thức của nghi lễ cúng cơm Đe có sự giống và khác nhau, nơi gắn liền với truyền thuyết về một vị tướng đem quân đi dẹp giặc loạn cát cứ.

         Xung quanh “Tết Cơm Đe” ở Mường Rậm có rất nhiều truyền thuyết khác nhau, tích xưa ở Mường Rậm kể lại rằng: từ xa xưa, không ai còn nhớ rõ nữa ở vùng đất Lạc Thủy, thuộc Phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nay là vùng đất xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Xưa kia người dân vùng Lạc Thịnh là người luôn luôn mến khách, trung nghĩa với đất nước, là mảnh đất biết đến là nơi địa linh nhân kiệt với thế hai bên có hệ thống núi Trường Sơn bao quanh, một bên là núi Cái, một bên là núi Khụ Kẻ (nơi núi này thờ Quốc mẫu Hoàng Bà, có tích kể là nơi Quốc mẫu Hoàng bà hiển linh thử lòng dân chúng quanh vùng).

        Trước đây, các triều đại phong kiến thời: Đinh, Tiền Lê đã lấy vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) làm kinh thành đóng đô. Tuy nhiên, vào thời kỳ này đất nước vẫn chưa thực sự ổn định, nhiều vùng đất còn có sự nổi dậy của giặc cát cứ, phiến quân nổi dậy chống lại triều đình. Vua đã sai một vị tướng có tài thao lược đi dẹp giặc loạn, trấn yên miền cõi đất nước, khi đưa quân từ vùng kinh thành Hoa Lư tiến lên phía Bắc dẹp loạn, tiến quân đi đến đất Lạc Thịnh ngày nay thì trời đã sang canh quá nửa đêm đúng vào ngày 26/10 âm lịch, quan quân, người ngựa đều mệt mỏi, đói khát cần chỗ nghỉ ngơi, nương náu, kho lương tiếp tế thì còn xa. Lúc bấy giờ, vùng đất Lạc Thịnh có hai anh em nhà Lang chia nhau cai quản vùng đất này, một bên là Mường Rậm nay thuộc xóm Đình và xóm Cọ. Lang cai Mường thời ấy gọi là Cun Rậm (Tức người lang Anh). Một bên là núi Khụ Cái án ngữ, lang cai vùng đất này chính là người em trai Đá Lang Rậm gọi là Đạo Trác (vùng đất xóm Trác ngày nay). Hai anh em nhà lang thấy tình cảnh vậy liền đứng dậy hô hào thông báo cho toàn thể dân trong vùng Mường mình cai quản nhà ai có đồ ăn thức uống thì mang ra để tiếp tế cho quân triều đình. Lúc ấy, lúa cũng có, ngô thì sẵn nhưng lúa chưa kịp giã thành gạo, ngô vẫn còn nguyên bắp trên gác bếp (rớng) mà việc của quan quân triều đình thì cấp bách không thể đợi được đến lúc giã gạo nấu thành cơm, tách ngô làm bánh. Thấy thế các Đá Lang Mường đã cùng dân làng tự bảo nhau nhà ai có đồ ăn thức uống gì thì mang ra cho quan quân triều đình ăn tạm. Lúc này, họ vào một số gia đình người Mường họ Bùi trong vùng. Trời lúc này chưa sáng, vả lại nhà họ Bùi nghèo không có lương thực dự trữ, chủ nhà đành luộc bí xanh, đu đủ và vài con măng giang đang chỏng chơ trong góc bếp nhà sàn để vị tướng và tùy tùng ăn qua bữa, một số nhà thì còn một chút cơm nếp, phần cơm nếp này đồ từ gạo mà một số gia đình còn dư lại sau khi làm lễ cúng cơm mới cúng tổ tiên trong nhà chấm với vừng rang giã nhỏ không có muối (bởi ngày xưa muối trên miền núi rất hiếm). Quan quân triều đình ăn bằng đấy đồ chưa đủ, không biết lấy gì nữa thì Đá Lang Mường mới chợt nhớ ra là người dân mường nhà nào cũng mới đồ cơm rượu để ủ men đến gần Tết nấu thành rượu thờ cúng tổ tiên, Lang Mường đành bảo người dân Mường nhà nào còn có ít cơm Đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, thì vội lấy ra mời vị tướng và quan quân. Nó không còn là cơm nữa, nhưng cũng chưa phải là rượu, xưa nay người dân ở Lạc Thịnh không ai đoái hoài đến việc ăn cơm ủ lên men này (về sau đã thành lệ cứ vào ngày 20/10 âm lịch hàng năm người dân xóm Rậm và xóm Trác thường thì nhà nào cũng bắt đầu tiến hành công việc đồ cơm để ủ làm rượu Đe). Người ngựa được nghỉ ngơi ăn cơm rượu lên men tinh thần phấn chấn, dân làng còn mang rượu cần ra chúc quan quân lên đường may mắn, chiến thắng khải hoàn.

         Sáng hôm sau, cảm ơn dân mường cùng hai anh em Đá Lang Mường quan quân triều đình từ biệt tiếp tục lên đường dẹp giặc loạn. Trước khi rời đi, xúc động trước tấm lòng của gia đình người nông dân nghèo vùng Mường Rậm, được biết vùng này nghèo do bị hạn hán nhiều ngày. Tướng quân bảo gia đình lập đàn cầu mưa. Thật linh thiêng, sau khi tướng quân cúng xong thì trời đổ mưa khiến người dân vui mừng khôn xiết.

          Một thời gian, sau khi chiến thắng khải hoàn trở về kinh thành Hoa Lư, vùng miền đất nước tạm thời yên ổn, Vị tướng quân tâu với vua và kể lại sự tấm lòng cùng sự hiếu khách, trung nghĩa của nhân dân vùng Lạc Thịnh với vua và kể về địa thế của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi này đất thích hợp để lập doanh trại. Vì trước khi đi vị tướng đã quan sát địa thế vùng đất này nên vị tướng đã xin với vua cho về vùng đất Lạc Thịnh để lập doanh trại. Vị tướng quan sát thấy bên Mường Rậm có Bãi Khụ Kẻ, Thung Xanh thích hợp lập doanh trại, bên dãy Khụ Cái bên vùng Mường Trác khu đồi Ống thì lưng dựa vào núi Cái, hướng ra bao quát hết cả Mường Rậm, Mường Trác, quan sát được hết tứ phía, nơi dễ phòng thủ, dễ tấn công gần nguồn nước trong núi Cái chảy ra, lại còn có cả hang động làm nơi cất giấu kho lương nên đã chọn nơi đây làm doanh trại chính hai bên cửa làng chọn làm hai cổng doanh trại là cửa Đông và cửa Tây. Chính vì nơi đây là đất địa linh nhân kiệt tạo nên tướng giỏi người tài nên khi đó tiếng tăm đến tận bên phương Bắc (Trung Quốc), họ đã xem thiên văn địa lý và phong thủy vùng đất này đúng là có tướng tài người giỏi nên đã tìm cách phá hoại sai người sang tìm cách chấn yểm để phá vị thế đất địa linh. Vị tướng đã tin theo lời và bị mắc âm mưu. Ít lâu sau, trên núi Cái xuất hiện một con hổ xuống bắt vị tướng rồi tha lôi ngài đi từ trong Đồi Ống (Tức Đồi Thờ ngày nay) tha lôi ra đến cửa làng (cửa Tây) rồi theo hướng đường cái tha về Mường Rậm, tha về núi Khụ Kẻ, quân lính đuổi theo không kịp rồi thấy hổ lại tha lại theo đường ấy mang trở về Đồi Ống, quân lính đuổi theo đến nơi chỉ thấy một đống mối mới mọc và thấy đôi bàn chân đang dần dần bị mối vùi lấp, còn con hổ kia thì không thấy đâu nữa. Lúc bấy giờ vưa mới hay tin liền phong cho ngài là vị tướng giỏi người tài vì nước thương dân phong cho hiệu là: “Bảo an chính trực hiệu Thiện Đôn Hưng, Dựng Bảo Trung Hưng Đương Cảnh Thành Hoàng” và lấy ngày 26 tháng 10 âm lịch hàng năm làm lễ tưởng nhớ công đức, đồ lễ và giờ tế lễ trùng với lúc vị tướng đưa quân đi dẹp loạn vào vùng Mường Rậm, từ đó Cun Rậm, Đạo Trác cùng với dân làng gìn giữ tục lệ thờ cúng nghi lễ trên. Đồng thời cho lập thành Miếu thờ từ khu vực Đồi Thờ (Miếu Bai Quân, Miếu Đầm Vèn), cửa tây cho lập thành Đình, cứ thoe đường cái nơi nào con hổ đặt vị tướng xuống nơi ấy đặt Miếu cho ra đến Mường Rậm nơi ấy cho lập Đình.

         Tục lệ ăn cơm Đe ấy đã được người dân nơi đây lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay. Với tấm lòng tưởng nhớ, biết ơn vị tướng, hàng năm cứ đúng ngày 26/10 (âm lịch) người dân ở đây lại tổ chức Tết cơm Đe. Vật cúng trong mâm chính là những thứ mà vị tướng trước kia đã ăn, nhất là món cơm Đe là thứ không thể thiếu.

 Hay như một truyền thuyết khác được người dân truyền miệng lại đó là ngày xưa, có hai ông Lang Cun nhân dân gọi tên là Cun Rậm và Đạo Trác đã có công khai phá, dựng lên mảnh đất Mường Rậm, Mường Trác ngày nay. Ông Lang Cun là người trị vì, cai quản cả Tổng Rậm, với mong muốn “quốc thái, dân an”, vì thấy đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhà giàu thì ít, nhà nghèo lại nhiều hơn nên trước khi qua đời, Lang Cun dặn lại các dòng tộc, dòng họ và con cháu là sau khi thu găt vụ mùa xong, dân lúc này mới có gạo nếp để ăn và cúng tổ tiên thì làm bữa cơm chay để cúng Thành Hoàng làng, ông bà tổ tiên trong gia đình, cầu sức khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt. Nhưng cũng có bậc cao niên kể lại rằng, vào thời xa xưa, có một vị quan của làng đi xứ, trước khi đi đã dặn dân làng, lấy ngày đi của ông làm ngày giỗ, vì đi sứ thì không biết còn sống hay chết để trở về quê hương.

Như vậy, với truyền thuyết hay tích nào đi chăng nữa, thì sự thật hiện hữu là lễ tết cơm Đe của người Mường Rậm, xã Lạc Thịnh đến ngày nay vẫn được lưu truyền, gìn giữ, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây mỗi khi đến ngày 26 tháng 10 âm lịch hàng năm. Khi mà mọi công việc đồng áng đã đã thu hoạch, để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, người dân nơi đây lại tổ chức tết cơm Đe, cơm mới. Đây cũng là dịp để gia đình tụ họp bên người người thân. Chúc nhau bình an, hạnh phúc và may mắn.

         Vào ngày tết cơm Đe, không chỉ có gia đình mà bạn bè hay du khách đến các gia đình cũng được coi là khách quý, mọi người cùng nhau thưởng thức món cơm Đe, nâng chén rượu ngọt để chúc nhau sức khoẻ, may mắn và bình an. Đây là một nét văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.

Lễ Cơm Đe dân tộc Mường, xã Lạc Thịnh được tổ chức với nghi trình, nghi thức khá đơn giản nhưng rất độc đáo tạo nên nét riêng có của lễ hội người Mường. Trước đây, Tết Cơm Đe ở Mường Rậm không có phần hội chỉ diễn ra phần lễ. Tuy nhiên, theo nhịp nếp sống mới, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương thu hút đông đảo nhân dân du khách về với mảnh đất Lạc Thịnh, những năm gần đây cùng với sự cố gắng của chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của Nhân dân quanh vùng Phần "hội" đã được chú trọng để tổ chức góp phần tạo thêm không khí vui tươi, hồ hởi gắn kết cộng đồng đã được tổ chức thu hút được nhiều người dân tham gia tích cực đưa các giá trị văn hoá vùng mường ngày càng được bảo tồn và phát huy. Phần hội được tổ chức ngay sau khi kết thúc phần lễ, kể đến là các hoạt động vui chơi thi thố các trò chơi dân gian, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gia như: Hội đánh Chiêng, hội ném còm, thi bắn nỏ, giã gạo, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối, hát sắc bùa, thi các món ẩm thực truyền thống, thi trình diễn trang phục, và phần thi đấu các môn thể thao …

Lễ Cơm Đe dân tộc Mường ở Mường Rậm, xã Lạc Thịnh phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường bao đời nay. Nó thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn sùng vị thần có công ơn với đất vơi mường. Đồng thời, lễ Cơm Đe nhằm ôn lại những truyền thống đã qua, đưa người dân trở về không gian văn hóa xưa với những truyền thống tốt đẹp, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Mọi người đến với lễ Cơm Đe để tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân, các thần linh. Đồng thời cũng là nhắc nhở đến bổn phận và trách nhiệm của mỗi người với ông bà, tổ tiên - đó chính là tính hướng về cội nguồn. Nhờ có lễ Cơm Đe, cộng đồng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Thủy nói chung và dân tộc Mường vùng Mường Rậm nói riêng có dịp thỏa mãn đời sống tâm linh, có được những giây phút thiêng liêng, giao cảm, trạng thái thăng hoa từ cuộc sống hiện thực. Riêng đối với Cơm Đe, là một sản phẩm thực phẩm mang đặc trưng từ gạo kết hợp với loại men bản địa làm nên một thức ăn lên men có giá trị về dinh dưỡng, nhưng đồng thời cũng là một sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân gắn với nền văn minh nông nghiệp. Đây cũng là một sản phẩm tiền năng; để nghiên cứu, nâng cao giá trị sản phẩm để trở thành hàng hóa, hay sản phẩm OCOP của địa phương./.