UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo, đôn đốc 100% các cơ quan hành chính ở cả ba cấp thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, chuyển đổi áp dụng và duy trì, cải tiến HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động quản lý hành chính đồng thời thực hiện một cách mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC. Kết quả, năm 2023 đã ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Hòa Bình, trong đó giảm thời gian thực hiện hoặc giảm thành phần hồ sơ đối với 05 TTHC lĩnh vực KH&CN nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tại địa phương trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và đổi mới sáng tạo. Riêng lĩnh vực KH&CN đã tiếp nhận 63 hồ sơ giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, 100% tổ chức thực hiện đúng và trước hạn; 100% TTHC có tính phí được thanh toán trực tuyến. Đây cũng chính là cơ sở tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất sản xuất, kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản về thủ tục có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Song song với đó, trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý, thực hiện hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thủ tục và hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao năng suất, chất lượng như hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia, xây dựng và áp dụng HTQLCL và các công cụ quản lý tiên tiến, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tem truy xuất nguồn gốc, hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị đo lường, sử dụng dấu định lượng... cho sản phẩm, hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời thu hút tốt hơn sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ nâng cao năng suất, đảm bảo đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Cụ thể: Trong năm đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên toàn tỉnh xây dựng, công bố áp dụng hơn 384 TCCS (trong đó 378 TCCS cho sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bổ sung, nguyên liệu thực phẩm và 06 sản phẩm nông sản) cho sản phẩm của địa phương nhằm duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Hỗ trợ về tài chính cho 03 doanh nghiệp nhằm động viên, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.
Đến hết 2023 đã hỗ trợ thành lập 25 tổ chức khoa học công nghệ, trong đó hỗ trợ thành lập mới 01 tổ chức, gồm 08 tổ chức khoa học công nghệ công lập và 17 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập; 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ; trong đó có 08 doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, 03 doanh nghiệp tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Qua đó đã giúp doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (như ưu đãi về thuế, quỹ đất, vay vốn...) để từ đó doanh nghiệp có điều kiện quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Hỗ trợ 44 tổ chức đã thực hiện thành công hoạt động đăng ký bảo hộ 59 nhãn hiệu hàng hóa và 04 kiểu dáng công nghiệp. Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu và Sáng chế cho hơn 50 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Hướng dẫn thủ tục gia hạn hiệu lực cho 02 NHTT; Hướng dẫn thủ tục thay đổi thông tin chủ sở hữu cho 01 NHTT nhằm đảm bảo quyền lợi về tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2023, đã hỗ trợ cho 40 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và ISO. Trong đó có 08 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô 116,2 ha, 21 cơ sở trồng trọt chứng nhận VietGAP với quy mô 229,8 và 1 cơ sở chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 2,5 ha; 05 cơ sở chăn nuôi chứng nhận VietGAP; 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản chứng nhận VietGAP với quy mô 65 lồng; hỗ trợ 03 cơ sở chế biến chứng nhận ISO 22000:2018; Triển khai cấp 44 mã số vùng trồng gồm: 21 mã số vùng trồng xuất khẩu phục vụ xuất khẩu, 23 mã số vùng trồng nội địa; cấp 01 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường đi NewZealand, tăng 130 % so với năm 2022 (năm 2022 cấp 19 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói)... Các hoạt động này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp, dịch vụ thế mạnh của tỉnh, một mặt đánh giá các điều kiện thực tiễn của mình, mặt khác quan tâm đầu tư hơn nữa vào hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến phương thức quản trị, sản xuất, kinh doanh, quảng bá., quản lý nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa để đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của các thị trường quốc tế tiên tiến.
Nhìn chung các kết quả đã thực hiện từ các năm trước, trong năm 2023 công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tập trung nâng cao sản lượng. Hoạt động này đã tạo động lực khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm, đầu tư hơn nữa vào các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tham gia các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu ngành hàng của địa phương, đảm bảo đo lường và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, hướng tới mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, thương hiệu./.