Trên địa bàn tỉnh hiện có các công trình nhà cao tầng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa cháy lớn bao gồm Nhà ở xã hội khu chung cư Sao Vàng gồm 03 tòa nhà, mỗi tòa cao 15 tầng nằm trên địa bàn phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình; Khách sạn SAKURA cao 15 tầng, tòa nhà chung cư Dạ hợp cao 12 tầng nằm trên địa bàn phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; Khách sạn SOJO cao 11 tầng nằm trên địa bàn phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình. Đây là những công trình được xây dựng kiên cố, kết cấu khung chịu lực với các cấu kiện xây dựng chính là loại vật liệu thuộc nhóm không cháy và khó cháy như bê tông cốt thép, gạch nung, đá hoa, các mặt đứng của cơ sở được tạo bởi các vật liệu cứng, như tường ngăn xây gạch nung, sàn, trần nhà đổ bê tông cốt thép liền khối. Các công trình này đã được cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 khu công nghiệp (KCN), gồm KCN Lương Sơn; KCN Bờ trái Sông Đà; KCN Mông Hóa; KCN Yên Quang; KCN Lạc Thịnh; KCN Nam Lương Sơn; KCN Nhuận Trạch; KCN Thanh Hà, trong đó có 04 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các cơ sở hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp chủ yếu về các lĩnh vực như sản xuất giấy, chế biến nông sản, dệt may, bao bì, luyện kim, chế biến gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ gia dụng… được quy hoạch xây dựng theo lô có diện tích từ vài nghìn đến vài chục nghìn mét vuông. Các hạng mục chính trong một công trình thường bao gồm nhà xưởng sản xuất và nhà phụ trợ. Nhà xưởng sản xuất thường có kết cấu khung thép mái tôn, nhà phụ trợ thường có kết cấu nhà khung bê tông cốt thép và nhà khung thép mái tôn. Về cơ bản các công trình đã được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, có các giải pháp, biện pháp an toàn về PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Khu đô thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện có 33 khu dân cư mới có hạ tầng về PCCC và các khu dân cư hiện hữu, về cơ bản có quy mô, diện tích nhỏ, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình và trung tâm một số huyện, ít có khả năng xảy ra thảm họa cháy lớn. Nhìn chung, công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm; nhiều cơ sở đã đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ; xây dựng bể nước đảm bảo phục vụ cho công tác chữa cháy; các phương tiện, thiết bị, hệ thống báo động, báo cháy, chữa cháy tự động thường xuyên được kiểm tra tình trạng hoạt động; nội quy, tiêu lệnh, biển báo về PCCC được niêm yết đầy đủ, đúng quy định.
Để làm tốt công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc khi có lệnh huy động của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhanh chóng đến hiện trường thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH. Các đơn vị quân đội khác đóng trên địa bàn tỉnh có hiệp đồng tác chiến với Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, khi có yêu cầu chi viện, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai công tác chữa cháy và CNCH. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc, khi có lệnh huy động của chỉ huy chữa cháy, huy động lực lượng y, bác sỹ, phương tiện cấp cứu, cơ số máu, cơ số thuốc cần thiết nhanh chóng đến hiện trường tổ chức sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị. Chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu kịp thời khi có nạn nhân. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt nhằm phục vụ kịp thời hoạt động chỉ đạo, xử lý tình huống trong công tác PCCC và CNCH./.