DetailController

Quốc phòng - An ninh

Làm tốt công tác gia đình góp phần xây dựng đời sống văn hóa

07/07/2022 00:00
6 tháng đầu năm 2022, công tác gia đình tiếp tục được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư. Nhiều hoạt động truyền thông được đẩy mạnh; các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì và nhân rộng.
Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư “Hãy nói không với bạo lực gia đình”

Công tác tuyên truyền về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi,… được phối hợp triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Quốc tế gia đình (15/5); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được triển khai có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về công tác gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình; khẳng định vị trí, vai trò của gia đình trong việc xây dựng đời sống văn hoá, đẩy lùi các tai tệ nạn xã hội, góp phần duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

         Trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 18/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác Phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức thành công Chương trình nói chuyện chuyên đề theo chủ đề năm 2022 “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” cho hơn 600 đại biểu tham dự đến từ các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình. Đồng thời, duy trì hoạt động 258 Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mô hình hoạt động độc lập, có 1.445 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.365 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 727 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 159 đường dây nóng.

         Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được các gia đình tự giác thực hiện trở thành nếp sống hàng ngày của mỗi thành viên, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, nền tảng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Năm 2022, đã có 214.567/218.867 hộ đăng ký phấn đấu danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt tỷ lệ 98%. Qua đó góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 43 hộ có bạo lực gia đình, xảy ra 80 vụ bạo lực gia đình, trong đó 25 vụ bạo lực về tinh thần; 14 vụ bạo lực về thân thể; 04 vụ bạo lực về kinh tế; không có vụ bạo lực về tình dục. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ 32/43 chiếm 74,4%; góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư 40 người; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 03 người; xử phạt vi phạm hành chính 01 người.

Nguyên nhân phải kể đến là do trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ người dân, làm thay đổi mối quan hệ trong gia đình và các chuẩn mực giá trị gia đình truyền thống, dẫn đến nhiều thách thức trong việc triển khai nhiệm vụ công tác gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, các văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện công tác gia đình còn chậm và chưa có sự thống nhất từ Trung ương đến các địa phương. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nên quá trình thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ngoài ra còn nhiều khó khăn về nguồn lực, kinh phí và thiếu đội ngũ cán bộ, cộng tác viên…

Thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương việc triển khai thực hiện các nội dung về công tác gia đình năm 2022; kịp thời điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về gia đình trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương và cơ sở. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại cơ sở. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng kỷ niệm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…/.