Tuy vụ trồng ngô, mía, sắn đã bắt đầu từ lâu, nhưng trên những cánh đồng ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi vẫn còn nhiều hộ gia đình đang bắt đầu làm đất để chuẩn bị gieo trồng. Nhưng có một điều lạ là hầu hết trên những cánh đồng đều vắng bóng những chiếc máy cày, thay vào đó là cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau.
Để tìm hiểu về hiện tượng này, chúng tôi tìm về xóm Ngay, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), nơi đây bà con vẫn đang khẩn trương làm đất để chuẩn bị cho vụ trồng mía, sắn mới. Trò chuyện với người dân được biết, việc giá xăng dầu tăng dẫn đến tiền công cày máy cũng tăng theo, vì vậy, lượng người thuê máy đã giảm đi. Anh Bùi Văn Nghĩa ở xã Hỹ Hòa cho hay. Hơn nửa tháng qua, 2 chiếc máy cày trị giá hơn 200 triệu đồng của gia đình anh đã không hoạt động nữa. Anh Nghĩa cho biết: Để phục vụ nhu cầu cày, cấy của bà con, trước khi bước vào vụ sản xuất, tôi bỏ mấy chục triệu đồng đại tu 2 chiếc máy cày với hy vọng lấy lại tiền chi phí và kiếm lời từ việc cày thuê. Giá xăng, dầu tăng đột biến, tiền cày cũng phải tăng theo, vì vậy, lượng người thuê cày máy cũng giảm hẳn. Tương tự, chiếc máy cày trung của gia đình anh Quách Công Hiếu ở xã Sào Báy (Kim Bôi) vừa mới mua trong năm 2010, trị giá gần 100 triệu đồng cũng chỉ để cày ruộng mía nhà. Anh Hiếu cho hay: Với giá xăng dầu như hiện nay, nếu không tăng tiền cày thì lỗ là cái chắc, nhưng nếu tăng cho phù hợp chẳng mấy người thuê".
Theo anh Bùi Văn Thủy ở xóm Ngay, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) tính toán: Gia đình anh trồng 2.000 m2 mía, nếu trước khi chưa tăng giá dầu, anh phải mất 180.000 đồng/1.000 m2 để cày và 320.000 đồng để bừa đất. Nhưng hiện nay, giá đã tăng lên theo xăng dầu từ 100.000 – 150.000 đồng/1.000 m2, trong khi giá sản phẩm bán ra vẫn thấp, vì thế, mà nhiều gia đình quyết định dùng trâu, bò để cày, giảm chi phí. Các chủ máy cày thì cho biết: Trên diện tích 1ha, nếu là máy cày đại phải mất ít nhất 16 lít dầu, còn máy cày trung cũng phải ngốn hết 10 lít. Giá dầu tăng, buộc phải tăng tiền cày từ 500.000 đồng/ha lên 700.000 đồng/ha. Nếu cày phá mía gốc, nông dân phải trả gần 2 triệu đồng/ha. Không những các chủ máy cày tư nhân lâm vào cảnh khó khăn, những nhóm hộ gia đình được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất từ Chương trình 135 có khả năng cũng phải chịu ảnh hưởng.
Tiền thuê cày máy cao, nhiều nông dân chuyển sang cày trâu. Nhà nào không có trâu cày phải oằn mình cuốc đất hoặc vần đổi công chấp nhận cực khổ, chậm thời vụ và lỡ cơ hội thời tiết thuận lợi… Anh Bạch Công Quynh ở xã Sào Báy cho biết: Tôi trồng hơn 2 ha mía, mấy ngày trước không hiểu sao mía non chết hết, nay thời tiết nắng nóng quá vẫn phải tranh thủ cày đất trồng lại nhưng không dám thuê máy cày vì tiền quá cao, đành phải dùng trâu để cày, giảm chi phí.
Ở huyện Kim Bôi, Tân Lạc, người trồng sắn, trồng khoai sọ cũng phải tận dụng tối đa những gì có thể để giảm chi phí thu hoạch. Chị Lê Thị Huyền ở Sào Báy cho biết: Trước thời điểm giá xăng, dầu tăng, cước vận chuyển về Nhà máy bột sắn ở Tân Lạc chỉ có 600.000 đồng/chuyến, nay tăng thêm từ 100-200.000 đồng. Tôi phải tự thu gom sắn dồn vào bao tải, rồi bốc lên xe cho đỡ tốn công, bù vào khoản chi phí vận chuyển.
Trong bối cảnh chung, mọi chi phí đầu vào của người dân như phân bón, giống, làm đất đều tăng khiến cho công việc của người nông dân gặp nhiều khó khăn hơn. Hình ảnh những chiếc máy cày bị “bỏ xó” và hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã không còn là điều lạ đối với nhiều người. Trước khó khăn chung hiện nay, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn mà người nông dân vẫn đang phải đối mặt.