DetailController

Chăn nuôi

Làm giàu từ nghề nuôi rắn độc

28/11/2012 00:00
Với ý chí và quyết tâm làm giàu, chàng trai trẻ Dương Quốc Trung tiểu khu Thạch Lý (Đà Bắc, Hòa Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hồ mang và là người duy nhất nuôi “rắn độc” ở huyện Đà Bắc. Mỗi năm anh xuất ra thị trường 3 tạ rắn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hổ mang dài gần 2m anh Trung nuôi

Trước khi đến với nghề nuôi rắn, anh nuôi nhím, lúc đó nhím rất phát triển ở Đà Bắc, nhiều hộ gia đình trở lên giàu có nhờ vật nuôi này. Giờ giá nhím thương phẩm lẫn nhím giống đều giảm nên anh nuôi với số lượng rất ít và đầu tư chuyển sang nghề nuôi rắn  độc. Anh Trung tâm sự: “Lúc đầu có ý định chuyển sang nghề nuôi rắn hồ mang, gia đình tôi phản đối quyết liệt lắm vì nuôi loài này rất nguy hiểm, lơ là hay không cẩn thận một chút là có thể bỏ cả tính mạng. Nhưng với niềm đam mê tôi vẫn bắt tay vào làm, để có được con giống tôi khăn gói lên tỉnh Vĩnh Phúc để mua, tại đây tôi còn học hỏi được rất nhiều kiến thức về cách nuôi loài này”. Anh đã đầu tư xây dựng 2 dãy chuồng để nuôi, với thiết kế rất khoa học ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Mỗi ô nuôi anh xây theo hình vuông với kích thước dài, rộng, sâu bằng nhau (50cm x 50cm x 50cm). Trong mỗi ô tùy kích cỡ của rắn mà thả số lượng nhiều hay ít cho phù hợp.

Rắn hổ mang cũng dễ nuôi, là loài ăn tạp thức ăn chủ yếu là cóc, nhái, gà con, vịt con. Tuy nhiên, món khoái khẩu của chúng vẫn là cóc. Mà nguồn thức ăn này trên địa bàn rất nhiều, dễ kiếm và rất rẻ. Trung bình anh Trung cho rắn ăn 3 ngày 1 bữa, mỗi bữa ăn 2-3 lạng cóc và tùy từng loại, từng độ tuổi mà cho ăn khẩu phần ăn khác nhau. Điều đặc biệt, rắn hồ mang so với các loài vật nuôi khác là chúng chỉ ăn thức ăn từ tháng 3 đến tháng 9 (âm lịch) và nằm ngủ mà không ăn từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Chính vì thế mà không tốn nhiều thức ăn, không mất nhiều công chăm sóc mà hiệu quả thu về lại cao.

Hiện tại, trong chuồng nuôi của anh Dương Quốc Trung có khoảng 250 con rắn hồ mang, trong đó có 50 cặp bố mẹ còn lại là những con nhỡ và nhỏ. Rắn nuôi khoảng 2 năm mới trưởng thành và động dục, mùa động dục của rắn rơi vào tháng 3-4 (âm lịch) nên lúc đó cần ghép đôi rắn đực với rắn cái. Sau khi phối giống thành công cần cho rắn ăn no và đủ chất dinh dưỡng để nuôi trứng. Rắn chửa khoảng hơn 2 tháng thì đẻ, cũng như loài baba và cá sấu rắn cũng tìm ổ đẻ vào đó và nấp lấp phủ lên. Theo kinh nghiệm nuôi của anh Trung cho biết: “rắn đẻ khoảng từ 12-20 quả và sau khoảng 55-60 ngày trứng rắn nở đạt đến 80-90%, lúc này rắn nở ra cần phải chăm sóc cầu kỳ hơn, lượng thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại phải luôn sạch sẽ tránh bệnh tật xảy ra”. Rắn là loại động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao và ít bệnh tật lên người nuôi cũng thấy yên tâm khi đầu tư vào nuôi con vật này.

Từ khi nuôi đến khoảng 2 năm rắn đạt trọng lượng trung bình từ 1,8 – 2kg/con. Với giá bán rắn thương phẩm của gia đình anh hiện nay là 800.000 – 1.200.000đồng/1kg, giá rắn giống là 900.000đồng/con. Mỗi năm anh xuất ra thị trường trên dưới 3 tạ rắn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thị trường đầu ra vì đã có Công ty rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bao tiêu hết sản phẩm, nhiều khi còn không có đủ cả rắn bán. Không chỉ nuôi rắn mà anh còn nuôi thêm 15 con lợn rừng, 30 con gà chọi…

Nuôi rắn vốn bỏ ra không lớn mà lãi gấp nhiều lần so với cấy lúa hay các nghề phụ khác. Thời gian tới anh Trung có hướng sẽ đầu tư xây thêm chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy tuổi đời còn rất trẻ (33 tuổi) nhưng anh đã xây dựng thành công mô hình trang trại chăn nuôi, là gương lao động giỏi để mọi người học tập và noi theo./.