Để tạo cơ sở vững chắc cho công nghiệp phát triển, huyện đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, công tác xây dựng chính sách hỗ trợ về phát triển cụm liên kết ngành và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Thời gian qua, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp từng bước ngày càng hoàn thiện về mọi mặt. Hệ thống mạng lưới đường giao thông của huyện ngoài Quốc lộ 21, tỉnh lộ 438 còn có đường Hồ Chí Minh được xây dựng kết nối giao thông với các tỉnh bạn, huyện bạn; nhiều tuyến đường nội thị, liên xã, huyện xã được triển khai đầu tư xây dựng mới, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp cải tạo thường xuyên, chất lượng điện năng tương đối đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động khuyến công trên địa bàn huyện đã được triển khai đồng bộ, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được chuyển giao tới các Doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất thông qua các chương trình, dự án và nguồn vốn sự nghiệp KH&CN hàng năm của địa phương góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Thời gian qua, huyện đã chú trọng kêu gọi đầu tư tập trung vào các ngành lợi thế của huyện bao gồm chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo chất lượng, khai thác tối đa nguyên liệu và lực lượng nhân công tại chỗ, các nhà máy sản xuất, chế biến được duy trì ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2022 đạt 1564,6 tỷ.
Trong giai đoạn qua đã thu hút được một số dự án lớn như: Thu hút nhà đầu tư công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình 02 dự án (nhà máy sản xuất bột nhẹ; Nhà máy xi măng Xuân Thiện tại xã Yên Bồng) tổng mức đầu tư 02 dự án: 38 nghìn tỷ đồng. Hiện đang triển khai thi công hạ tầng đường giao thông, bến cảng và xây dựng khu nhà làm việc. Công ty cổ phần Lạc Thuỷ tuyển được hơn 600 công nhân với tổng sản phẩm đạt 1.350 nghìn sản phẩm/năm. Thành lập 01 làng nghề đá cảnh với 50 hộ thu nhập bình quân từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người. Ngành chế biến sản phẩm rừng trồng đóng góp cho ngân sách trung bình từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm.
Huyện Lạc Thủy được quy hoạch 01 khu công nghiệp Thanh Hà với diện tích 282,14ha; 05 cụm công nghiệp: Phú Thành II, Đồng Tâm, Thanh Nông; Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, Đồng Tâm II với tổng diện tích là 282,25ha. Tổng số nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện tính đến thời điểm hiện tại là 17 nhà đầu tư với tổng diện tích thuê đất là 51,19 ha, tổng mức đầu tư là 1.305,86 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về công tác đầu tư, huyện Lạc Thủy thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, đồng bộ, công khai, minh bạch, đặc biệt đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân như: Quy hoạch, xây dựng; tài nguyên và môi trường… Qua đó tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện. Ủy ban nhân dân huyện tập trung vào tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp. Công tác xúc tiến đầu tư của huyện đã có bước chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế và hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái, sử dụng nhiều lao động nhằm tạo việc làm cho lao động tại địa phương; hạn chế các dự án đầu tư quy mô nhỏ lẻ và gây ô nhiễm môi trường. Với tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, KH&CN đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện lập hồ sơ đăng ký sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc biệt là sản phẩm thế mạnh của địa phương của địa phương. Năm 2020 - 2022 đã đăng ký được 03 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho sản phẩm bộ sản phẩm Hoa quả sấy, bộ sản phẩm Măng, bộ sản phẩm tinh dầu Lạc Thủy. Cùng với đó sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Chè Sông Bôi của Công ty TNHH HTX Sông Bôi Thăng Long; OCOP 3 sao gồm mây sả đan và tinh dầu sả của Công ty CP du lịch sinh thái An Lạc Hoa. Huyện Lạc Thủy đã từng bước hình thành được lực lượng HTX, hộ cá nhân tiên phong trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong huyện luôn quan tâm và triển khai thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường thông qua việc thu hút các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý ô nhiễm (chất thải rắn, nước thải công nghiệp và chăn nuôi); tăng cường công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm về môi trường.../.