DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lạc Thủy tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng cho giá trị kinh tế cao

19/10/2022 00:00
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thủy, vụ mùa - Hè thu 2022 tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm 4.255,3 ha đạt 102,1% kế hoạch bằng 105,1% so cùng kỳ, tổng diện tích cây ăn quả hiện có 1.444,02 ha;...Thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng ngô, trồng màu sang trồng cây lâu năm. Tổng diện tích dồn điền, đổi thửa đến nay 560,2 ha, bằng 54,9% so kế hoạch đến năm 2025, một số địa phương làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa.
Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang là hướng đi huyện Lạc Thủy triển khai thực hiện

Chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định: Tổng đàn trâu hiện có trên 5.400 con, đàn bò trên 6.300 con, lợn trên 58.000 con, gia cầm 1.460 con…Chăn nuôi các động vật cho giá trị kinh tế cao được duy trì (Nhím, lợn rừng, hươu...); phát triển bò BBB tại các xã: Hưng Thi, Thống Nhất, phát triển bò sữa tại xã Phú Thành, Phú Nghĩa đem lại thu nhập khá và ổn định cho người chăn nuôi, song quy mô chăn nuôi còn nhỏ. Toàn huyện có 605 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đạt 100% so với kế hoạch; sản lượng 10 tháng là 680 tấn, đạt 90,4% kế hoạch. 9 tháng đầu năm đã trồng được 910 ha rừng, tỷ lệ che phủ tự nhiên đạt 46,7%. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không để tình trạng cháy rừng, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, khai thác lâm sản trái phép xảy ra.

Kinh tế trang trại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, hiện toàn huyện có 61 trang trại. Phát triển kinh tế trang trại góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn huyện Lạc Thủy, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Các trang trại trên địa bàn hoạt động khá trên các lĩnh vực, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Toàn huyện có 39 HTX, chủ yếu hoạt động về dịch vụ nông nghiệp. Huyện đã có 08/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm xã: Đồng Tâm, xã Phú Nghĩa, xã Phú Thành, xã Khoan Dụ), huyện Lạc Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Vụ Đông năm 2022, huyện phấn đấu gieo trồng 855 ha, trong đó cây ngô 323 ha khuyến khích mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, khoai lang 200 ha, lạc 10 ha, đậu tương 30 ha, rau các loại là 292 ha, khuyến khích mở rộng diện tích trên cơ sở đảm bảo về giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế. Tiến độ gieo trồng đến thời điểm báo cáo, đã gieo trồng ngô đông 323/323 ha, rau đậu các loại 150 ha.

Nhận định tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023 sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết (không khí lạnh, rét đậm, rét hại) và thiên tai dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Do đó cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị nông sản.

Theo định hướng, vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; tiếp tục đưa tiến bộ kỹ thuật mới về giống, sử dụng giống tốt, kỹ thuật canh tác  mới vào sản xuất; tăng cường sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp như: Chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây trồng khác phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tập trung chăm sóc diện tích cây ăn quả hiện có. Triển khai đầu đủ các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ cây trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chủ động phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2023, chuẩn bị tốt hiện trường, cây giống và thiết kế trồng rừng sớm để khi thời tiết thuận lợi có thể tiến hành trồng được ngay, phấn đấu trong vụ xuân trồng đạt trên 45% kế hoạch cả năm. Thực hiện Tết trồng cây; tăng cường chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo mật độ, cơ cấu giống cây trồng chính để rừng trồng phát triển tốt; thực hiện các biện pháp lâm sinh nhằm tăng năng suất rừng trồng. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, chất bảo quản, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng; chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản./.