DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lạc Thủy: Tăng cường thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ Xuân 2023

13/03/2023 17:00
Đến thời điểm hiện tại toàn huyện Lạc Thủy đã gieo trồng 4.272 ha cây trồng hàng năm vụ Xuân 2023, đạt 95,5% kế hoạch, bằng 103,2% so cùng kỳ. Lúa cấy 1.563 ha đạt 107,8% kế hoạch, ngô 848 ha đạt 100% kế hoạch, các cây trồng khác 1.861 ha đạt 85,5% kế hoạch, trồng cây phân tán được 65.000 cây các loại. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2023, UBND huyện yêu cầu các đơn vị, xã, thị trấn tăng cường thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ Xuân 2023.
Tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho các diện tích cây đã gieo trồng

Đối với cây hàng năm, cần đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây trồng vụ Xuân đảm bảo hết diện tích trong khung thời vụ, cây mầu kết gieo trồng xong trước 15/3/2023. Đối với cây lúa: Chăm sóc các trà lúa Xuân theo đúng quy trình kỹ thuật. Bón phân thúc tập trung làm 02 đợt (thúc đẻ nhánh, thúc đòng), với  phương châm “nặng đầu, nhẹ giữa, nhẹ cuối”. Bón phân kết hợp với làm cỏ sục bùn tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung. Khi lúa đẻ nhánh kín đất thì tháo cạn nước lộ chân chim, giúp bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng chống đổ cho cây. Xử lý kịp thời những diện tích lúa bị vàng lá sinh lý (nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ) bằng các biện pháp canh tác như điều tiết nước, làm cỏ, sục bùn, kết hợp với bón bổ sung phân lân supe hoặc phân hữu cơ khoáng và phân vi lượng hoặc phân bón lá. Phòng trừ các đối tượng gây hại chính, bao gồm: Ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn, tập đoàn rầy, bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo mùa thu... Không để bùng phát dịch bệnh trên lúa. Đối với cây trồng khác: Chăm sóc, tỉa dặm, vun, xới, làm cỏ bón phân đầy đủ, cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho diện tích đã gieo trồng.

Đối với diện tích cây ăn quả cần tập trung chăm sóc cho cây phát triển lộc xuân, ra hoa, đậu quả và phát triển quả non. Bón phân đầy đủ, cân đối giữa các loại phân, đảm bảo đủ lượng phân hữu cơ theo quy trình kỹ thuật. Phòng trừ các đối tượng gây hại chính, bao gồm: Dòi đục nụ đục hoa, bọ trĩ, nhện, bọ xít, bệnh chảy gôm, bệnh thán thư, bệnh sương mai. Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình, quy định. Trồng mới cây ăn quả theo quy hoạch, tập trung vào những cây có thế mạnh của địa phương, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định. Tuyệt đối không để giống kém chất lượng, giống trôi nổi trà trộn vào làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.

Đối với diện tích lâm nghiệp, tập trung quản lý cây giống đảm bảo chất lượng và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng vụ Xuân - Hè đạt kế hoạch đề ra; tăng cường kiểm soát rừng, phòng chống cháy rừng, không để cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn. Thực hiện Đề án phát triển cây lấy măng và Đề án trồng thử nghiệm cây quế hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Tăng cường quản lý các công trình thủy lợi, điều tiết nước tưới, tiêu hợp lý phục vụ sản xuất; chủ động xây dựng phương án chống hạn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xử phạt nghiêm những trường hợp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng để tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, các ngành, đơn vị, đoàn thể liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất; thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời sâu bệnh, không để phát sinh thành dịch. Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi huyện, các tổ chức dùng nước chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất và phòng, chống hạn có hiệu quả. Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng, trú trọng công tác phòng chống cháy rừng.

Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo sản xuất theo khung thời vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ngăn chặn và xử lý kịp thời sâu bệnh, không để phát sinh thành dịch tại địa phương. Chỉ đạo các tổ chức dùng nước ở cơ sở điều tiết nước phục vụ sản xuất và chủ động phòng chống hạn cho cây trồng./.