DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Thủy sẵn sàng cán đích nông thôn mới

07/01/2021 00:00
Khi mới bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lạc Thủy có xuất phát điểm thấp, số tiêu chí bình quân đạt 5,85 tiêu chí/xã- năm 2011. Nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được khơi lên mạnh mẽ, dần dần thay đổi nhận thức và huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, tạo nên thành công của huyện trong việc thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Những năm gần đây, kinh tế của huyện đã có bước phát triển khá, chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; sau thực hiện, huyện còn 08/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định bao gồm: xã Đồng Tâm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Phú Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Phú Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã Yên Bồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã An Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, xã Khoan Dụ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, xã Hưng Thi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, xã Thống Nhất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tới nay tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đạt 100%.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình, kinh tế của huyện đã có bước phát triển khá, chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, trồng trọt, chăn nuôi tạo được giá trị gia tăng ngày càng cao, xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, mô hình theo tiêu chuẩn VietGap góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư khá đồng bộ, từng bước hiện đại đảm bảo phục vụ tốt hoạt động phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện từ 15,6 triệu đồng năm 2011 được nâng lên 50,5 triệu đồng năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 21,4%, đến năm 2020 giảm xuống còn 4,66%. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư đồng bộ, từ đó bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới khang trang hơn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã được cải thiện và nâng lên, đã có 08/08 xã (đạt 100%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 37,5%, có 07 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 27 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn theo quy định.

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện nông thôn mới theo hướng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của từng xã.

Định hướng đến năm 2025, kinh tế của huyện phát triển mạnh với quy mô và tiềm lực cao hơn. Hệ thống cơ sở  - hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, tiêu chí xã nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị. Xây dựng huyện phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao. Đến năm 2025 đạt khoảng 105 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%...Đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%; tỷ lệ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt trên 97%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%./.