DetailController

Kinh tế

Lạc Thủy: Phấn đấu thực hiện thắng lợi vụ Mùa – Hè thu năm 2023

17/05/2023 17:00
Sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 của huyện Lạc Thủy đạt diện tích theo kế hoạch, đạt chỉ tiêu về diện tích gieo trồng, vượt chỉ tiêu về sản lượng lương thực có hạt; nhân dân tích cực tham gia sản xuất; người sản xuất đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh trong sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch, đàn đại gia súc duy trì, đàn gia cầm phát triển mạnh, các mô hình chăn nuôi mới được đưa vào sản xuất có hiệu quả như nuôi bò BBB, bò sữa; triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị vật tư phục vụ sản xuất; hệ thống các công trình thuỷ lợi được khai thác sử dụng tốt, cơ bản đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất; kinh tế trang trại được duy trì phát triển, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Mô hình chăn nuôi gà theo gia trại tại thôn Đồng Bầu thị trấn Chi Nê, Lạc Thủy

Vụ Đông Xuân 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 4.633 ha, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,5% so cùng kỳ. Tổng diện tích cây ăn quả hiện có 1.444,02 ha, …rau quả công nghệ cao 05 ha. Tổng đàn chăn nuôi hiện có 5.400 con trâu, đàn bò 6.300 con, đàn lợn 55,5 nghìn con, gia cầm 1,5 triệu con. Toàn huyện có 605 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đạt 100% so với kế hoạch; sản lượng 5 tháng là 415,5 tấn, đạt 55,1% kế hoạch, bằng 100,1% so cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng là 359 tấn, sản lượng khai thác tự nhiên là 56,5 tấn. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá ao nước tĩnh; không có dịch bệnh thuỷ sản xảy ra. Gieo ươm cây giống phục vụ công tác trồng rừng 2023, toàn huyện gieo ươm trên 2,0 triệu cây keo giống phục vụ trồng rừng sản xuất (cây Keo tai tượng Úc chiếm trên 65%). Trồng rừng 666,6 ha bằng 80,3% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ tự nhiên của rừng đạt 46,72%.

Vụ Mùa - Hè thu năm 2023, huyện chủ trương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi đất trồng lúa, cây mầu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương và đáp ứng thị trường đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Phấn đấu: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 4.619 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt 16.032 tấn; Tổng đàn trâu duy trì 6.700 con, tổng đàn bò 6.300 con, tổng đàn lợn 54.000 con, tổng đàn gia cầm 1.364 nghìn con, tổng đàn dê 7.500 con. Thủy sản đạt sản lượng 1.100 tấn. Trồng mới 830 ha rừng, duy trì độ che phủ rừng 46,72%.

Vụ Đông năm 2023, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 803,9 ha, trong đó cây ngô 323 ha khuyến khích mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, khoai lang 154 ha, lạc 5 ha, đậu tương 30 ha, rau các loại là 292 ha, khuyến khích mở rộng diện tích trên cơ sở đảm bảo về giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế. Trong đó chủ trương ngay từ khi triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu, các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể từng loại đất để bố trí sản xuất vụ Đông, đối với chân ruộng hai vụ lúa cần có kế hoạch gieo cấy lúa mùa sớm, thu hoạch trước 25/9/2023 để trồng cây vụ đông đảm bảo trong khung thời vụ cho phép. Cần bố trí cây vụ Đông trên những chân đất chủ động tưới tiêu. Sử dụng các giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng. Mở rộng diện tích trồng đậu tương trên đất ướt và trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế như khoai tây, dưa chuột, cà chua, bí xanh, rau đậu ... để tăng thêm thu nhập. Khai thác, tận dụng các loại đất kết hợp trồng xen gối vụ, đa dạng các loại cây trồng nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống đói rét dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô; chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm để sản xuất, thâm canh cây vụ Đông, đảm bảo cây trồng đủ nước cho năng suất cao./.