Năm 2024, huyện tập trung nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; duy trì và phát triển các tiêu chí huyện nông thôn mới. Phấn đấu 04 xã (xã Phú Nghĩa, xã Đồng Tâm, xã Phú Thành, xã Khoan Dụ) đạt chuẩn các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các xã còn lại, phấn đấu mỗi xã đạt thêm từ 1- 3 tiêu chí xã nông thôn mới, số tiêu chí trung bình mỗi xã đạt được từ 17,75 tiêu chí/xã trở lên. Phấn đấu 04 xã (xã Phú Nghĩa, xã Đồng Tâm, xã Phú Thành, xã Khoan Dụ) xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; trong đó phấn đấu 01 xã (xã Phú Nghĩa) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã còn lại phấn đấu đạt thêm từ 1-2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên, số tiêu chí nông thôn mới nâng cao trung bình đạt 15,75 tiêu chí/xã.
Mỗi xã, thị trấn xây dựng và được công nhận ít nhất 01 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 02-03 khu vườn kiểu mẫu nông thôn mới. Chuẩn hóa từ 02 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao (*) trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.
Dự kiến tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 khoảng 13,8 tỷ đồng.
UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp tập trung hướng dẫn các các xã, thị trấn lập kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024; Tập trung hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới còn đạt tỷ lệ thấp như: Tiêu chí số 12 (Lao động), tiêu chí số 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm). Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020 (xã Đồng Tâm, xã Phú Nghĩa, xã Phú Thành, xã Khoan Dụ): Xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó 02 (xã Đồng Tâm, xã Phú Thành) tiếp tục xây dựng kế hoạch phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; phấn đấu xã Phú Nghĩa đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (xã Yên Bồng, xã An Bình, xã Hưng Thi, xã Thống Nhất): Xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt được, tiếp tục xây dựng kế hoạch để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu;
Các xã, thị trấn duy trì và phát triển các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, các vườn kiểu mẫu đã được công nhận; lựa chọn, đăng ký xây dựng thêm 01 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng thêm từ 02 vườn kiểu mẫu trở lên. Duy trì và phát triển 21 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện đã được công nhận, phấn đấu chuẩn hóa từ 02 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (*) trở lên.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu theo Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu của tỉnh. Tiếp tục phát động và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Huyện Lạc Thủy chung sức xây dựng nông thôn mới”; “nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; “Xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch- đẹp” và các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và gắn với việc tổ chức thi đua, khen thưởng ở tất cả các địa phương. Vận động và hỗ trợ cho các gia đình nông thôn tập trung cải tạo, thâm canh ao, vườn để có cảnh quan đẹp và có thu nhập, xây dựng đủ các công trình nước sạch, vệ sinh thiết yếu, sửa lại cổng ngõ, tường rào xanh đẹp, tổ chức định kỳ các hoạt động cộng đồng như khơi thông cống rãnh thoát nước, dọn vệ sinh và xử lý rác thải, trồng cây xanh nơi công cộng...
Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, gắn với việc chỉnh trang Khu dân cư, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, xã có tiêu chí thấp, các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2024 theo lộ trình. Các địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nợ xây dựng cơ bản. Xây dựng kế hoạch thực hiện “Xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững”.
Tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp ở các xã, thị trấn gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, ưu tiên mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Quản lý, sử dụng có hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ (nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy”, 04 nhãn hiệu chứng nhận: “Gà Lạc Thủy”, “Dê Lạc Thủy”, “Na Lạc Thủy”, “Chè Sông Bôi”). Thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, duy trì 21 sản phẩm OCOP của địa phương đã được đánh giá công nhận, phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới; triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Mở rộng quy mô được chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng sản xuất VietGAP, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, ưu tiên vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao; tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Xây dựng và nhân rộng mô hình Du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Quan tâm cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân về sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.