DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Lạc Thuỷ: Người dân đã nâng cao nhận thức trong việc phòng chống đói rét cho trâu, bò

24/12/2009 00:00

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy hiện có tổng đàn trâu 9.395 con và 8.298 con bò. Để chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông năm nay, ngay khi gặt xong lúa mùa, bà con nông dân đã chủ động tích trữ được trên 600.000 kg rơm khô

Nhiều hộ nông dân huyện Lạc Thủy sau thu hoạch lúa mùa đã đánh cây rơm khô để làm thức ăn dự trữ cho gia súc

Chị Phạm Thị Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y Lạc Thuỷ cho biết: Do đặc thù và thói quen của bà con trong vùng chuyên chăn thả gia súc, rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm rét hại vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, huyện lạc Thuỷ có gần 200 con trâu, bò bị chết đói và rét, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của bà con nông dân. Để phòng chống đói rét cho trâu bò, bà con đã chủ động che chắn chuồng kiên cố tránh gió lùa. Đến nay toàn huyện chỉ còn khoảng 20 % số hộ có chuồng trại tạm bợ, tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu.

 

Tại xã Đồng Tâm, một trong số xã có tổng đàn trâu, bò lớn của huyện, mỗi nhà đều có từ 1 đến 2 cây rơm khô to bên cạnh chuồng nhốt trâu bò đã được xây kiên cố. Ngay từ đầu vụ rét năm nay anh Chương Xuân Thanh ở thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm đã chuẩn bị bao tải dứa để quây kín chuồng, đảm bảo cho những con trâu nuôi bên trong không bị lạnh. Anh Thanh cho biết: Vụ đông năm ngoái, gia đình cho trâu ăn rơm đã được chế biến theo phương pháp ủ Ure và chế phẩm EM, cho ăn thêm thức ăn bổ sung. Thời gian đầu chưa quen, đàn trâu không chịu ăn, sau quen thì ăn rất tốt. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng lá ngô, ngọn sắn và lá khoai lang để héo băm nhỏ trộn với rơm để tạo thức ăn dinh dưỡng cho trâu. Qua vụ đông cho thấy, đàn trâu tuy ăn rơm, nhưng không bị táo hay bị mất nước mà vẫn giữ được thịt và có tăng cân.   

 

Năm 2008, thông qua lớp tập huấn về kỹ thuật dự trữ và chế biến thức ăn cho trâu bò, do Sở NN- PTNT, Sở KH-CN triển khai hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, bà con nông dân huyện Lạc Thuỷ đã được tiếp cận và biết cánh ủ rơm nên đều đạt chất lượng tốt. Đặc tính của rơm ủ là biến đạm vô cơ thành hữu cơ, làm tăng giá trị dinh dưỡng có lợi cho đường ruột của gia súc. Cách làm này đơn giản nên bà con dễ áp dụng để dự trữ thức ăn giàu dinh dưỡng trong những ngày rét cho trâu, bò. Ngoài việc hướng dẫn cho người chăn nuôi cách chế biến rơm rạ bằng phương pháp ủ Ure và bằng công nghệ EM, Sở NN- PTNT còn hưỡng dẫn bà con cách làm chế phẩm Bokashi làm thức ăn tăng cường dinh dưỡng và phòng trống bệnh đường ruột cho trâu bò. “Trước kia, thu hoạch xong, gia đình thường đốt rơm luôn tại ruộng, nhưng từ khi được tập huấn về kỹ thuật dự trữ và chế biến thức ăn cho trâu bò, thay vì đốt rơm tại ruộng, gia đình tôi đã đánh thành cây rơm to và thực hiện phương pháp ủ Ure để làm thức ăn dự trữ cho trâu. Với 3 con trâu trưởng thành đang nuôi, ngoài 2 cây rơm, gia đình còn có 5 sào khoai lang đang cho thu, 1,5 sào ngô và 4 tấn sắn khô thành phẩm, với số lượng thực phẩm trên đảm bảo đủ cung cấp thức ăn cho đàn trâu qua mùa đông này” anh Nguyễn Văn Nhàn  chia sẻ thêm.

 

Theo chị Phạm Thị Hương, năm nay, bà con nông dân trong huyện đã dự trữ được khoảng trên 600.000 kg rơm, chỉ bằng 50 % số lượng rơm dự trữ của năm 2008. Số lượng rơm dự trữ năm nay tuy còn ít so với sản lượng rơm từ vụ lúa mùa (nguyên nhân do bà con thu hoạch sớm lại gặt vào đúng đợt mưa rầm kéo dài làm cơ bản số lượng rơm rạ thu được từ vụ mùa bị thối nên không để dự trữ được), song bước đầu đã phần nào thay đổi các nghĩ của nhân dân trong việc dự trữ thức ăn thô cho trâu, bò trong vụ đông xuân bằng các phụ phẩm có sẵn như rơm khô, lá mía, thân cây chuối, lá chè khổng lồ… nhiều hộ dân đã trồng cỏ, gieo ngô dầy làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày mùa đông giá rét.

Theo Báo Hòa Bình