Để đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, gắn dạy nghề với nhu cầu việc làm, từng bước nâng cao đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, huyện đã coi trọng đối tượng, ngành nghề đào tạo hợp lý. Cụ thể là đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Ngoài ra, để nắm được thực trạng sử dụng lao động và nhu cầu nguồn lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, huyện đã tổ chức đi khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động còn thiếu, yếu. Để từ đó, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo việc làm mới cho người lao động, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương.
Trong năm 2010, huyện đã phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức mở lớp đào tạo nghề tại chỗ với từng ngành, nghề phù hợp với trình độ văn hóa, điều kiện hoàn cảnh gia đình và thực tế nguồn nhân lực địa phương như: mây - giang đan, chổi chít, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi. trồng trọt… thu hút hơn 400 lao động tham gia. Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức KH - KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để làm ra các sản phẩm hàng hoá chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường và có thu nhập ổn định.
Cùng với đào tạo nghề, huyện đã chú trọng thực hiện một số giải pháp hỗ trợ trực tiếp người lao động tự tìm kiếm việc làm, cung ứng các điều kiện để người lao động tiếp cận với chế độ ưu đãi của Nhà nước, địa phương như: tích cực tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phát triển các mô hình phát triển kinh tế VAC; khai trương sàn giao dịch việc để người lao động tiếp cận thông tin về lao động, dạy nghề, việc làm trong và ngoài nước; chỉ đạo các xã thị trấn phối hợp với Ngân hàng CS-XH tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, giúp nhân dân xóa đói - giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân. Nhờ sự cố gắng nỗ lực cao của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả, trung bình mỗi năm, huyện Lạc Thuỷ đã giải quyết việc làm mới và làm thêm cho từ 1.800 - 2.000 lao động (năm 2010 giải quyết việc làm cho 2.100 lao động).
Ông Bùi Đức Thuận cho biết thêm: Đến năm 2011, huyện đã tiến hành tổng điều tra nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thì có 42.300 người có nhu cầu được đào tạo nghề khác nhau. Trong đó có 2.912 người có nhu cầu được đào tạo ở các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; 2.194 người dạy nghề tập trung; 260 người dạy nghề trồng trọt. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng để huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để lao động nông thôn tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, thực hiện CNH - HĐH và xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả bước đầu trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và việc sớm hình thành được lộ trình, kế hoạch đào tạo nghề thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khai thác, kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới; cùng với đó là liên kết chặt chẽ với đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động thiết thực, hiệu quả nhất.