Đến nhà bà Đặng Thị Cống, 60 tuổi, thôn Liên Sơn đúng lúc bà đang dọn tổ ong ngoài vườn. Bà Cống nói: "Nhà tôi có hơn trăm thùng ong mật. Trước kia chưa có lò gạch, gia đình thu mật ong bán cũng có của ăn của để. Mấy năm nay đàn ong tan tác, chết gần hết". Bà Cống cho biết, khi các chủ gạch đốt lò, khói tỏa mù mịt, trùm lên khắp thôn. Nhà nào cũng phải lấy vỏ chăn, vải tấm nhúng nước che kín các cửa để chống khói lùa vào nhà. Khổ nhất là những gia đình có con nhỏ, người mới sinh nở, phụ nữ đang mang thai không thể ở nhà được phải đi sơ tán, ở nhờ nhà anh em, họ hàng thôn khác.
Ông Ngô Xuân Chính, bức xúc: “Chẳng có cây gì sống nổi. Cây hồng, nhãn, vải, sấu ra hoa là bị khói hun héo quắt. Cây nào có quả thì rụng đầy gốc. Vườn chuối nhà tôi bị táp lá, buồng nhiều cũng chỉ 2, 3 nải, quả bằng ngón tay cái. Sống ở nông thôn, cây ăn quả trồng đầy vườn mà phải ra chợ mua từng quả sấu nấu canh chua”.
Chị Trần Thị Thanh cho biết: “Ruộng ngô, lạc, lúa, đậu tương cứ lay lắt không lên nổi. Khói lò gạch hun ngày, hun đêm cây con gì sống nổi. Nhiều người đã sinh bệnh vì sống trong bầu không khí… khói lò gạch nhiều năm nay”.
Được biết, từ năm 2010, một số doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hưng Yên, TP Hà Nội được UBND huyện Lạc Thủy cấp phép về Liên Sơn mở lò gạch thủ công. Mới đầu chỉ có 1 lò, dần tăng lên 4 lò, 6 lò. Đến nay đã lên tới 22 lò kép (11 ống khói). Các lò gạch làm thành một dãy liền nhau, dọc theo chân núi đá, cách thôn Liên Sơn khoảng 200m. Tính ra cứ 6 nóc nhà, 24 nhân khẩu ở thôn Liên Sơn phải ngày đêm gồng mình hít thở, "ăn" khói của 1 lò gạch.
Từ nhiều năm nay, các địa phương trên cả nước đang tập trung xóa lò gạch thủ công, nhưng ở xã Khoan Dụ, Lạc Thủy lại "đón" lò gạch thủ công về quê hương?