Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Sơn đã tập trung xây dựng các giải pháp phát triển KT - XH, từng bước xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn .
Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 32,9%, năm 2008 giảm xuống còn 28,7%, tính đến hết năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ước giảm xuống còn 25,5%. Để có được kết quả đó, các cấp, ngành ở Lạc Sơn đã tích cực thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo. Như các chương trình hỗ trợ giống, cho vay vốn phát triển sản xuất; triển khai các mô hình chuyển giao KHKT, thâm canh tăng năng suất cây trồng, trồng thí điểm mô hình giống khoai lang tím tại xã Ngọc Sơn, thử nghiệm giống lúa mới, ngô mới, mô hình trồng sắn bền vững trên đất dốc tại xã Hương Nhượng... Đặc biệt, Lạc Sơn đã tập trung thực hiện khá hiệu quả chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho vay được gần 43 tỷ đồng. Trong đó có hơn 3700 lượt hộ nghèo trên toàn huyện được vay hơn 21 tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đều được uỷ thác qua các tổ chức Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Việc vay vốn thông qua các tổ chức này nhằm kết hợp với hướng dẫn, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm cho các hộ nghèo vay vốn nên đầu tư vào cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì. Đã tạo sự gắn kết tương trợ hiệu quả hơn trước.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất, Lạc Sơn còn tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo ở các xã ĐBKK. Ông Nguyễn Trọng Xuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: Các dự án hỗ trợ sản xuất cho các xã ĐBKK đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Về cơ bản đã tạo chuyển biến rõ rệt từ nhận thức cũng như nâng cao trình độ thâm canh của người dân địa phương. Kết quả lớn nhất là đã nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân để từ đó tạo bước chuyển biến trong công tác xoá đói giảm nghèo.
Việc hỗ trợ sản xuất đã tập trung vào một số mô hình đã đem lại hiệu quả cao như mô hình cải tạo đàn bò vàng, hỗ trợ chăn nuôi, hỗ trợ đầu tư máy móc nông nghiệp làm giảm cường độ lao động, tăng hiệu suất trong sản xuất. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn cũng đã hỗ trợ vào đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất ở các địa phương vùng khó khăn. nhất là nâng cao năng lực điều hành của cản bộ cấp xã.
Điểm nổi bật đáng ghi nhận đó là việc chuyển đổi cơ cấu giống ở 3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do. Nếu như trước đây người dân ở các xã vùng cao này chỉ biết sử dụng các loại giống ngô, lúa thuần năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 8 - 12tạ/ha. Nhưng từ khi triển khai đưa các loại giống ngô mới năng suất cao vào sản xuất thì năng suất bình quân đạt 40 - 45 tạ/ha. Trước khi có chương trình Dự án hỗ trợ sản xuất bình quân lương thực ở các xã vùng cao mới chỉ đạt 250 - 280 kg/người/năm, ở mức này người dân vẫn đói chưa thể tính đến chuyện thoát nghèo. Đến nay bình quân lương thực ở các xã vốn được xem là khó khăn đã bằng mức bình quân chung của các xã vùng thấp khoảng 450kg/người/năm. Đảm bảo an ninh lương thực, đời sống người dân có bước chuyển biến mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn cũng đã có sự thay đổi đáng kể, người dân đã từng bước tiếp cận với thị trường, sản xuất theo hướng hàng hoá. Điều này đã góp phần xoá đói giảm nghèo cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH không chỉ ở các xã ĐBKK mà còn đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa KHKT vào thâm canh tăng năng suất về trình độ thâm canh ở cả các xã vùng thuận lợi.
Qua thực tế, công tác xoá đói giảm nghèo phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của người dân, đó là điều cốt lõi. Từ đó mới phát huy được nội lực, tạo ra sự bền vững, ổn định trong công tác này ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Lạc Sơn./.