DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Lạc Sơn: Phấn đấu từ nay đến năm 2025 mỗi năm dồn điền, đổi thửa đạt 50 ha

04/10/2022 00:00
Huyện Lạc Sơn có tổng diện tích tự nhiên của huyện Lạc Sơn đến năm 2021 là 58.700,26ha (trong đó đất Nông nghiệp 50.075,32 ha, đất phi nông nghiệp 8.367,47 ha, đất chưa sử dụng 257,47 ha). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện 12.786,6 ha (trong đó đất trồng lúa 6.512,18 ha, đất cây hàng năm khác 3.383,91 ha, đất cây lâu năm 2.890,52 ha).
Dồn điền, đổi thửa góp phần sản xuất lúa theo hướng tập trung, nâng cao giá trị và sản lượng

Từ trước năm 2018 công tác dồn điển, đổi thửa trên toàn huyện chưa được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện, nên mới chỉ dừng ở việc các hộ dân tự phát đổi thửa cho nhau, nên việc đổi thửa còn nhỏ lẻ, không tập chung người dân không thực hiện xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2018 Ủy ban nhân huyện tuyên truyền đẩy mạnh về công tác dồn điền, đổi thửa và tham mưu cấp ủy về chính sách hỗ trợ. Năm 2019 công tác dồn điền đầu tiên tại xã Yên Phú, đến nay các xã dồn điền như Thượng Cốc, Quyết Thắng, Định Cư...

Tính đến tháng 9/2022, tổng diện tích dồn điền, đổi thửa trên địa bàn huyện đạt là 515,979 ha (trong đó diện tích đổi thửa là: 230,249 ha, diện tích dồn điền là: 285,73 ha). Cụ thể: năm 2018 thực hiện dồn đổi được 178,88 ha; năm 2019 thực hiện được 176,75 ha; năm 2020 thực hiện được 58,89 ha; năm 2021 thực hiện 52,028 ha; ước 9 tháng đầu năm 2022 thực hiện 49,43ha.  Bên cạnh việc dồn điền, đổi thửa, huyện đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi. Thời gian qua, huyện đầu tư khoảng 6,8 tỷ đồng để kiên cố hóa kênh mương

Nhìn chung, sau khi dồn điền, đổi thửa thì diện tích 1 thửa ruộng được tăng lên, không còn những mảnh ruộng có diện tích nhỏ (trừ những mảnh ruộng tại các khu không dồn, đổi được), số thửa / hộ giảm còn 1 – 3 thửa. Việc đưa máy cày, máy bừa, máy gặt tuốt lúa, áp dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật thuận tiện hơn. Việc giảm chi phí đầu vào như công đi lại trồng, chăm sóc; tiền gặt và tuốt; thất thoát về vật tư nông nghiệp …được giảm đáng kể. Có thể sản xuất lúa theo hướng tập trung hàng hóa, sản lượng và đã tăng giá trị thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, số thửa manh mún. Do trước đó phân hạng rất nhiều loại đất, hệ thống thủy lợi tưới tiêu không đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng đi lại còn khó khăn cho nên công tác dồn điền, đổi thửa chưa thực hiện được. Nhu cầu kinh phí để thực hiện dồn điền đổi thửa như: Bố trí lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng là rất lớn. Khi dồn điền đổi thửa xong chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư để liên kết với người sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa tập trung nên chưa lan tỏa được trên địa bàn huyện. Hàng năm kinh phí bố trí rất ít chỉ đủ cho cấp lại sổ, chưa đầu tư được hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để thuận lợi cho sản xuất. Công tác cấp lại quyền sủa dựng đất còn gặp một số khó khăn  như: một số hộ gia đình phải điều chỉnh lại thông tin hộ gia đình, cá nhân, thông tin Giấy chứng nhận đã cấp, một số hồ sơ đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, nhưng chưa thực hiện đăng ký theo quy định.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chỉ thị 35-CT/TU ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa; năng động huy động nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ công tác đồn điền đổi thửa và tổ chức sản xuất sau dồn điền đổi thửa, đặc biệt là thu  hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất theo hàng hóa, tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích.

Về kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa đến 2025 và định hướng đến 2030, cần bám sát kế hoạch 141/KH-UBND và kế hoạch sử dụng đất đến 2025, 2030 đã được phê duyệt. Tổ chức rút kinh nghiệm tại các xóm, xã đã thực hiện, chỉnh sửa các phương án dồn điền, đổi thửa và tiếp tục chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa trên các xóm, xã còn lại. Tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, giao Kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửacho các xã, thị trấn, mỗi năm lựa chọn từ 2 xóm trở lên để chỉ đạo dồn điền đổi thửa. Loại trừ các khu đấu giá, khu quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, khu dân cư, khu thu hút đầu tư, khu, cụm công nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ban, ngành chuyên môn tỉnh đo đạc, cấp lại quyền sử dụng đất theo đúng quy định, tổ chức sản xuất tốt cho các diện tích đã dồn điền đổi thửa. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 dồn điền, đổi thửa mỗi năm khoảng 50 ha./.