Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2022 đạt 12,01%, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, tăng 1,92% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 55,75 triệu đồng, tăng 10,45 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, đạt 79,64% chỉ tiêu Nghị quyết và bằng 83,58% mức bình quân đầu người của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 61,37% chỉ tiêu Nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ bình quân hằng năm tăng 2,66%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năm 2022, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 34,4% (giảm 2,2% so với năm 2020); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 31,1% (tăng 2,1% so với năm 2020); dịch vụ, thương mại 34,5% (tăng 0,1% so với năm 2020). Tỷ lệ lao động tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng.
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai trên địa bàn để phát triển ngành nông nghiệp. Triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Diện tích gieo trồng bình quân hằng năm đạt 21.194,1 ha, đạt 100,92% chỉ tiêu Nghị quyết; sản lượng lương thực bình quân đạt 70.652,3 tấn/năm, tăng 17,75% so với Nghị quyết. Tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, duy trì diện tích cây có múi còn khả năng nâng cao chất lượng, phát triển cây Dổi tại các xã Chí Đạo, Quyết Thắng theo hướng tập trung, chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: Mía, cây họ bầu bí lấy hạt, dưa hấu, bí xanh...Đến nay toàn huyện có 10 sản phẩm 3 sao của 10 chủ thể.
Quản lý khai thác tốt diện tích mặt nước các ao, hồ, đập thủy lợi để nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích hằng năm là 475,1 ha, sản lượng cá thu hoạch đạt 574 tấn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các trang trại có quy mô về tổng đàn và giá trị sản phẩm hàng hóa; từng bước tổ chức liên kết giữa chăn nuôi và trồng trọt theo chuỗi sản phẩm khép kín. Tập trung bảo vệ rừng, phát triển rừng kinh tế, phát triển rừng sản xuất đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Diện tích trồng rừng mới bình quân hằng năm đạt 1.143 ha, giữ độ che phủ của rừng ở mức 53%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Bình quân hằng năm huy động được khoảng 1.200 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng xã Vũ Bình, Tân Lập, Yên Phú đạt chuẩn NTM. Đến năm 2022, huyện có 10 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 43,47%, đạt 76,26% Nghị quyết); xã đạt 14-16 tiêu chí có 01 xã; Xã đạt từ 10-13 tiêu chí có 12 xã. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt 14,78 tiêu chí/xã.
Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện đã phát triển tập trung vào các ngành may mặc, điện tử, sản xuất đồ chơi, cơ khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản. Trên địa bàn huyện hình thành các cơ sở sản xuất gạch không nung dần thay thế gạch nung truyền thống. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2022 đạt 1.006 tỷ đồng tăng 35,4% so với năm 2020 (743 tỷ đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 17,03%, đạt 107,78% chỉ tiêu Nghị quyết.
Thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện dần ổn định và ngày càng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 3.275 tỷ đồng, tăng 45,23% so với năm 2020 (2.255 tỷ đồng). Giá trị thương mại - dịch vụ tăng bình quân hàng năm 17,85%, đạt 115,16% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Hệ thống chợ trên địa bàn huyện được duy trì hoạt động ổn định. Từ năm 2020 đến nay các doanh nghiệp và các đơn vị được giao quản lý chợ đã đầu tư 3,885 tỷ đồng để nâng cấp cải tạo các hạng mục chợ đã xuống cấp đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu trao đổi giao lưu hàng hóa của nhân dân. Ngoài ra, các kênh phân phối hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn huyện có 01 siêu thị và 01 trung tâm điện máy có quy mô tương đối khang trang đi vào hoạt động (Siêu thị Tuấn Khánh, Điện máy xanh).
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư phát triển, đã tăng cường quản lý, khai thác các nguồn thu ngân sách, đẩy mạnh chống thất thu và coi trọng việc phát triển nguồn thu. Công tác chi ngân sách được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 104.332 triệu đồng, giảm 3,23% so với năm 2020, bình quân hằng năm tăng 2,66%, đạt 61,37% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tích cực huy động các nguồn vốn trong dân, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng cá nhân và nguồn vốn cho chính sách an sinh xã hội. Chi cho đầu tư phát triển tiếp tục được tập trung chỉ đạo, đã tích cực, chủ động trong việc cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các lĩnh vực của nền kinh tế, cân đối giữa các xã, các vùng, đảm bảo tỷ lệ giữa công trình phục vụ sản xuất và công trình phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Bình quân hằng năm đã đầu tư 185 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, mạng lưới giao thông ngày càng được cải thiện, nhiều tuyến đường đã được đầu tư xây dựng mới. Đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang tiến hành triển khai thực hiện lập và quản lý 34 đồ án quy hoạch xây dựng. Công tác đô thị hóa được chú trọng, huyện hiện có 01 thị trấn Vụ Bản với 9.776 người dân, tỷ lệ đô thị hóa đạt 9,66%, đạt 64,4% chỉ tiêu Nghị quyết. Hệ thống mạng lưới điện trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp cải tạo cơ bản đáp ứng các thông số kỹ thuật của ngành điện, chất lượng điện năng được nâng lên đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Có 23/23 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia đạt 100%. 03 nhà máy thủy điện duy trì hoạt động phát điện thương mại ổn định, sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 21,8 triệu Kwh.
Nhằm phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về phát triển các thành phần kinh tế, từng bước đổi mới quan hệ sản xuất. Toàn huyện hiện có 125 doanh nghiệp, tăng 38 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ (từ đầu nhiệm kỳ có 42 doanh nghiệp thành lập mới, 4 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể); có 51 hợp tác xã, trong đó 32 hợp tác xã nông nghiệp, 05 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 14 hợp tác xã thương mại dịch vụ (tăng thêm 15 HTX so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 18 HTX thành lập mới, 03 HTX giải thể); hộ kinh doanh cá thể có 5.344 hộ, tăng 482 hộ so với đầu nhiệm kỳ.
Trong công tác thu hút đầu tư, đến nay đã thu hút 33 dự án, trong đó, có 02 dự án đầu tư nước ngoài và 31 dự án đầu tư trong nước, tổng mức đầu tư theo đăng ký là 11.871,9 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 722,82ha. Hoạt động dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển mạnh, đã kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân; doanh thu từ hoạt động giao thông vận tải đạt trên 80 tỷ đồng/năm.
Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng đã hoàn thành việc quy hoạch các khu xử lý rác thải. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện năm 2022 là 45%, đạt 75% chỉ tiêu Nghị quyết; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại khu vực độ thị đạt 75%, đạt 88,23% chỉ tiêu Nghị quyết./.