Những ngày trung tuần tháng 7, về huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được hoà mình vào các hoạt động tình nghĩa nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2015). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 530 đối tượng NCC được chi trả hàng tháng. Những năm qua, phong trào “Đền ơn - đáp nghĩa” luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm thực hiện có hiệu quả nhằm bù đắp một phần những mất mát hy sinh của NCC và gia đình họ trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Di, xóm Đình, xã Hợp Thành. Bà Di là mẹ liệt sỹ Đinh Văn Diễn, nhập ngũ năm 1971, mất năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị. Gia đình bà Di đang được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà đang được hoàn thiện để kịp bàn giao trong dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sỹ năm nay. Ông Đinh Văn Dẩn, con trai bà Di tâm sự: Trước đây, mẹ ở với gia đình tôi trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 90 đã xuống cấp, trời mưa gió phải lấy bạt ra che. Từ tháng 5/2015, được Bộ Quốc phòng hỗ trợ 70 triệu đồng, Quỹ “Đền ơn - đáp nghĩa” của huyện hỗ trợ 15 triệu đồng cùng với kinh phí của gia đình, nhà tình nghĩa bắt đầu khởi công. Mẹ và gia đình tôi rất phấn khởi, cảm ơn sự quan tâm của các cấp, ngành đã giúp gia đình có ngôi nhà vững chãi.
Địa chỉ tiếp theo chúng tôi đến thăm là gia đình ông Phạm Xuân Toàn ở thị trấn Kỳ Sơn. Ông Toàn là nạn nhân chất độc hoá học ở chiến trường miền Nam, có con và cháu ảnh hưởng chất độc hoá học. Ông Toàn là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Ông Toàn chia sẻ: Khi trở về, hoàn cảnh gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, con cái bệnh tật, kinh tế eo hẹp. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế, tôi đã động viên các thành viên trong gia đình tập trung phát triển kinh tế. Từ năm 2011, gia đình tôi đầu tư trên 200 triệu đồng làm nhà xưởng, lò sấy để trồng nấm rơm. Vượt qua những vất vả ban đầu, hiện nay, sản phẩm nấm rơm của gia đình đã có nhãn hiệu và đầu ra ổn định tại các thị trường Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu. Vào vụ nấm, gia đình ông giải quyết việc làm thêm cho trên 10 lao động. Ngoài trồng nấm, gia đình ông Toàn còn đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt và 200 thùng ong lấy mật với tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Đồng chí Đinh Hải