Ông Bùi Văn Sắng, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết: Hiện nay, toàn xã có 518 con trâu, bò, 1.623 con lợn và 6.000 con gia cầm. Trước năm 2009, dịch bệnh trên toàn xã thường xuyên xảy ra, nhất là đối với đàn trâu, bò hay mắc các bệnh tụ huyết trùng, LMLM, ký sinh trùng máu và nhiều loại dịch bệnh khác. Năm 2010, Chi cục Thú y đã chọn Dũng Phong làm điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tụ huyết trùng và LMLM. UBND xã đã thành lập BCĐ tiêm phòng triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã, mở lớp tập huấn cho nhân dân về kiến thức chăn nuôi, phòng - chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Tổ chức tiêm phòng định kỳ bệnh tụ huyết trùng và LMLM, xử phạt hành chính nếu hộ nào cố tình không tiêm phòng theo Pháp lệnh Thú y. Vận động nhân dân khai báo trong mua bán gia súc, khi mua gia súc về phải cách ly 25 ngày mới cho nhập đàn; không mua bán động vật không rõ nguồn gốc, xây dựng tủ thuốc thú y xã, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ...
Tuy nhiên, việc triển khai những công việc trên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chị Bùi Thị Điệp, cán bộ thú y xã Dũng Phong cho biết: Từ trước tới nay, việc tiêm phòng dịch đối với người dân xã Dũng Phong chưa được coi trọng. Nhiều người không muốn tiêm vì tiếc tiền, trâu chửa sẽ bị sẩy thai, trâu nuôi theo đàn không dắt đến tiêm được... Nắm bắt được tâm lý đó, cán bộ thú y đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền về lợi ích của tiêm phòng và lấy mô hình hộ gia đình tiêu biểu biết áp dụng KH-KT mới vào chăn nuôi đạt hiệu quả cao, từ đó, người dân đã tự đăng ký tham gia lớp tập huấn và nhiều hộ khác không được mời cũng tham gia tập huấn. Khi tiêm phòng bệnh cho trâu, bò, trưởng xóm đi kiểm tra, đôn đốc xóm thông báo cho từ hộ dân biết để trâu, bò nhốt ở nhà. Để nắm bắt được tình hình dịch bệnh, cán bộ thú y đến các hộ dân kiểm tra, triển khai ngay phòng dịch như tiêu độc khử trùng chuồng trại, tủ thuốc thú y duy trì thường xuyên thuốc tiêm, khử trùng... Khi một số xã lân cận bị dịch LMLM, cán bộ thú y cùng UBND xã thông báo cho người dân không thả gia súc gần địa bàn của các xã bị dịch, hạn chế ra gần suối mà nguồn nước chảy từ các xã bị dịch, tiến hành phun khử trùng tiêu độc và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch khác. Anh Bùi Văn Vinh, xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong cho biết: Nhà tôi nuôi 5 con bò, trước đây do chủ quan nên nhiều khi đàn bò bị bệnh. Lúc đó mới lo thuốc chữa, vừa tốn kém, vừa vất vả. Từ khi được cán bộ thú y vận động thường xuyên tiêm phòng, khử trùng chuồng trại nên đàn bò không bị bệnh.
ông Phạm Vinh Xương, Chi cục Phó Chi cục Thú y cho biết: Công tác phòng trừ dịch bệnh có vai trò rất quan trọng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và phát triển nghề chăn nuôi. Trong thời gian vừa qua, Chi cục đã triển khai mô hình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở xã Dũng Phong khá thành công, góp phần đảm bảo an toàn cho gia súc, tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi gia súc ở tỉnh. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh.