DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kinh nghiệm của huyện Yên Thủy trong thực hiện dồn điền đổi thửa

07/10/2022 00:00
Huyện Yên Thủy có tổng diện tích đất nông nghiệp 22.977,32 ha, chiếm 73,53% diện tích toàn huyện. Những năm qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã chủ động, sáng tạo thực hiện thí điểm thành công và nhân rộng việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Việc thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa đã phát huy hiệu quả kinh tế tích cực, xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Dồn điền, đổi thửa góp phần nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Xuất phát điểm trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, huyện Yên Thủy gặp nhiều khó khăn, đó là: Ruộng đất phân tán, manh mún rất khó khăn trong quá trình sản xuất, không có các tuyến đường ra các cánh đồng để sản xuất, đi lại chủ yếu trên các bờ ruộng rất nhỏ hẹp, nhiều thửa ruộng không có mương dẫn nước. Nhận thấy yêu cầu cần phải đổi mới, thay đổi tư duy và quyết liệt hành động, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định chọn dồn điền, đỏi thửa là khâu đột phá đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 17/12/2012 về mục tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2013; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng nhân dân huyện khóa XVIII kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 huyện Yên Thủy. Trong đó xác định công tác dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tính đến hết năm 2021 trên địa bàn huyện đã có 50 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích dồn đổi 1.470,2 ha (đất trồng lúa và đất trồng màu), số hộ tham gia 4.239 hộ. Trước khi dồn có 23.509 thửa, bình quân mỗi hộ 6,75 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 625 m2. Sau khi dồn còn 8.310 thửa (giảm 65% số thửa), bình quân mỗi hộ còn 2,4 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 1.769 m2 (tăng 2,8 lần). Hình thức dồn điền, đổi thửa huyện thực hiện là: 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp thực hiện theo phương án dồn điền, 10 % diện tích đất thực hiện theo phương án đổi thửa. Tổng kinh phí thực hiện dồn đổi trong thời gian qua là hơn 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện và lồng ghép các nguồn vốn khác là 8,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là 4,4 tỷ đồng; Ngân sách huyện hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho các xã thuê ca máy đào đắp hình thành các tuyến đường, tuyến mương chính; kinh phí đo đạc, cấp lại GCN QSD đất cho các hộ; hỗ trợ mua cống nội đồng.

Nhìn chung, công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, khẳng định dồn điền đổi thửa là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm khoảng 61%, các hộ khi chưa thực hiện dồn điền, đổi thửa có trung bình từ 7 đến 9 thửa, cá biệt có những hộ có 21 thửa, sau khi thực hiện dồn đổi chỉ còn từ 1-3 thửa, trung bình mỗi hộ khoảng 03 thửa, hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân. Sau dồn điền đổi thửa, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng hơn đã tạo động lực thúc đẩy nông dân sản xuất và gắn bó với đồng ruộng, giảm được các chi phí sản xuất như: công làm đất, thời gian chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giảm từ 30-35%, chi phí lao động để sản xuất 1ha cây màu từ 8-9 triệu, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa chi phí giảm xuống còn từ 5-6 triệu đồng so với khi chưa thực hiện dồn điền đổi thửa. Thu hoạch cây trồng thuận lợi hơn, năng suất cây trồng tăng lên, thu nhập của nông dân sau khi trừ chi phí tăng thêm 3-4 triệu đồng/ha.

Việc thực hiện dồn điền đổi thửa cũng góp phần câng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Phát huy được quyền dân chủ của người dân trong việc quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và dân đóng góp, theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư, tự bàn bạc, quyết định, thống nhất lựa chọn đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Dù còn tồn tại một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện như: kinh phí còn hạn hẹp, một số hộ dân không đồng tình, ủng hộ; tiến độ, chất lượng công việc thực hiện còn chưa cao. Song phải khẳng định Yên Thủy đã gặt hái được nhiều thành công trong thực hiện dồn điền, đổi thửa, có kinh nghiệm tốt để các địa phương học tập. Trong đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên đó là phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa. Huyện ủy, Đảng ủy xã, Chi bộ xóm  ban hành Nghị quyết để lãnh đạo; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên chấp hành; đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của Chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể xóm và sự gương mẫu chấp hành của cán bộ đảng viên ở xóm thực hiện việc dồn điền đổi thửa sẽ quyết định thành công của việc dồn điền, đổi thửa. Tiếp đó, cần thực hiện dồn, đổi căn cứ theo tình hình thực tế từng địa phương, linh hoạt trong thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phương án  dồn điền, đổi thửa phải được nhân dân  bàn bạc kỹ, thống nhất. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác dồn điền đổi thửa. Quá trình dồn điền, đổi thửa phải được thực hiện liên tục, khẩn trương để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất (sau thời gian gặt mùa tháng 9, 10 dương lịch) để đảm bảo cho sản xuất vụ chiêm xuân năm sau. Phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi dồn điền đổi thửa, tiến hành thu lại GCNQSDĐ đã cấp và cấp đổi GCN QSDĐ cho nhân dân. Phát huy dân chủ, công khai minh bạch trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa; thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng lợi”, từ đó tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận cao từ nhân dân để triển khai thực hiện….

Thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng cho các xóm thực hiện dồn điền, đổi thửa. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Tỉnh hỗ trợ kinh phí đo đạc chi tiết, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi dồn điền, đổi thửa. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai sau dồn điền đổi thửa, tránh hiện tượng sau khi dồn điền đổi thửa các hộ tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông không theo quy định. Theo kế hoạch, trong giai đoạn đến năm 2025, định hướng 2030. Ủy ban nhân dân huyện phấn đấu triển khai dồn điền, đổi thửa 45,5 ha đất sản xuất nông nghiệp./.