
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc gieo cấy, chăm sóc lúa và cây màu theo đúng khung thời vụ. Cây ăn quả có múi hiện nay đang trong giai đoạn quả phát triển mạnh; tại các vùng trồng cam, bưởi tập trung, người dân tích cực đầu tư thâm canh, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng. Các địa phương chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Toàn tỉnh hiện có 114,465 nghìn con trâu; 89,168 nghìn con bò; 483,31 nghìn con lợn và 8,36 triệu con gia cầm. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, triển khai tiêm vắc xin các loại cho gia súc, gia cầm được tăng cường. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu phi trên đàn vật nuôi. Thường xuyên kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi duy trì, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tỉnh đã trồng được trên 5.591 ha rừng tập trung, đạt 101,11% kế hoạch năm và 599,9 nghìn cây phân tán; đã sản xuất được 17, 79 triệu cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng (đạt 111,18% kế hoạch). Đến nay đã khai thác 6,18 nghìn ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 501,2 nghìn m3 gỗ. Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường. Đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xảy ra 08 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy là 7,823 ha. Ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9,21 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 1,7 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 7,55 nghìn tấn.
9 tháng đầu năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Ngành sản xuất điện ước tính 9 tháng đầu là 6.284 triệu KWh đạt 66,85% kế hoạch năm,, tăng 7,51% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ như: Chè khô ước tăng khoảng 4,6%; Sản phẩm điện tử ước tăng 4,5%; Bia, đồ uống các loại tăng 2,15%; Kết cấu thép ước tăng 7,01%.
Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng cao. nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng được thực hiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 47.183 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm, tăng 18,68% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.224,824 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ, bằng 72,26% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 895,924 triệu USD tăng 10,53% so với cùng kỳ, bằng 72,90% kế hoạch năm. Uớc 9 tháng đầu năm, tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ, đạt 91,4% kế hoạch năm (trong đó, khách quốc tế là 320 nghìn lượt); tổng doanh thu ước đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 79,5% kế hoạch năm.
Đối với Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án là 5.570 tỷ đồng, đạt 54,5 % kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang thực hiện các thủ tục theo quy định để giao chi tiết số vốn 4.650 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình./.