DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kim Bôi: Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

20/03/2014 00:00
Kim Bôi có 28 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã diện đặc biệt khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó khăn, ít doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn còn cao. Thời gian qua, huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện triển khai Đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho số lượng không nhỏ lao động tại địa phương.

 Hiện nay, huyện Kim Bôi có  trên 60.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có nhu cầu đào tạo nghề  trên 23 nghìn người. Cơ cấu lao động được phân bổ trên hầu hết các lĩnh vực, nhưng trong đó lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 80%. Với lực lượng lao động dồi dào như vậy nhưng chỉ có khoảng 18,4% lao động được đào tạo nghề. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Kim Bôi là một yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay. Xây dựng Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của huyện Kim Bôi giai đoạn 2010-2015, theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ thương mại. Trong đó, huyện đưa ra các chỉ tiêu cụ thể năm 2014, huyện Kim Bôi đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 3.415 người, trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn 800 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 35%; giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Qua điều tra, khảo sát nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn tại 28 xã, thị trấn, có trên 1 nghìn lao động đăng ký được đào tạo nghề. Trong đó  nhu cầu của lao động nông thôn học nghề để sản xuất tại chỗ tập trung nghề may túi xách cho siêu thị và làm chổi chít xuất khẩu. Vì vậy, trong năm 2013, trung tâm dạy nghề huyện Kim Bôi mở 11 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp tại 8 xã và thị trấn, với nguồn kinh phí là 550 triệu đồng.

            Đề án được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, theo hướng tăng tỷ trọng phát triển CN - TTCN và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Huyện đã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như làm chổi chít xuất khẩu, may, sửa chữa máy nông nghiệp; cấp kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề tại các xã, thị trấn... Trong đó có một số nghề khá hiệu quả như làm chổi chít tại xã Vĩnh Tiến, may túi xách cho siêu thị ở thị trấn Bo và xã Vĩnh Tiến. Hàng năm, huyện Kim Bôi dạy nghề cho khoảng 2.400 lao động. Riêng 2013, huyện đào tạo dạy nghề cho 3.230 người, đạt 134,5% kế hoạch với các nghề trồng trọt, chăn nuôi, điện dân dụng, quản lý và kinh doanh nông nghiệp, dệt thổ cẩm. Cùng với đó, huyện đã chú trọng các hoạt động giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ người dân vay vốn, hỗ trợ KHKT phát triển sản xuất...cùng với đó, trung tâm dạy nghề huyện Kim Bôi mở 1 lớp dạy nghề may túi xách siêu thị tại xóm Rạnh xã Đồng Bắc, đa số học viên là lao động nữ thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên trong quá trình học, các học viên được hỗ trợ kinh phí đi lại. Hiện  nay cơ sở đang hoạt đọng khá hiệu quả với hơn 70 nhân công, với mức thu nhập hàng tháng đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/ tháng.

    Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và thị trường tiêu thụ ổn định, nghề chổi chít xuất khẩu sẽ  là một trong những nghề đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở xã Kim Tiến, Kim Bình, Cuối Hạ... Với phương thức đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, nên thời gian học tương đối ngắn, thường là 3 tháng, học viên có thể áp dụng vào thực tế. Sau khoá học, các học viên đều được cấp chứng chỉ học nghề và được nhận vào làm tại các cơ sở đào tạo hoặc xưởng tại địa phương.  Thông qua các lớp đào tạo nghề, việc định hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động đã có những hiệu quả rõ rệt

       Các giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo nghề đã định hướng nghề cho người dân, tạo được nguồn lao động dồi dào, có tay nghề cho các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trên địa bàn huyện Kim Bôi nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. Đây được coi là yếu tố quan trọng quyết định thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề, Trung tâm dạy nghề huyện Kim Bôi đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên. Đồng thời xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, bảo đảm nội dung và chất lượng theo quy định. Thời gian tổ chức của các lớp học được bố trí tránh thời điểm mùa vụ bận rộn của nông dân để thu hút đông đảo người dân tham gia.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc cho lao động nông thôn đã góp phần không nhỏ cung cấp cho lao động kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, bước đầu tạo việc làm ổn định, phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT-XH trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, tới đây, huyện Kim Bôi tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, chú trọng tới các nghề gắn với nhu cầu xã hội, thị trường và nhu cầu của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, bảo đảm tính bền vững của các chương trình, dự án dạy nghề cho lao động nông thôn, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong triển khai các dự án, mô hình trong một bộ phận người dân. Với những giải pháp cụ thể của Trung tâm Dạy nghề huyện, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi của các cấp, ngành, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Kim Bôi giai đoạn tiếp theo mới có tính hiệu quả và bền vững.. Những bước đi chắc chắn, cẩn trọng này hy vọng sẽ nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn của huyện Kim Bôi trong công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.